Kỳ họp Quốc hội không đảm bảo tâm tư nguyện vọng của nhân dân thì không chất lượng
Ý kiến của đại biểu cho rằng: Nếu kỳ họp không “chở trên mình” được đường lối của Đảng và không đảm bảo tâm tư nguyện vọng của nhân dân thì kỳ họp không chất lượng.
Chiều 3.3, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì tọa đàm lấy ý kiến xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh nhu cầu cải tiến, đổi mới hoạt động là tất yếu, thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình hoạt động của Quốc hội. Đó cũng chính là mong muốn, kỳ vọng của các thế hệ lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội về một Quốc hội chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và cử tri, nhân dân.
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, kỳ họp Quốc hội là trung tâm của hoạt động Quốc hội, thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan. Kỳ họp Quốc hội hoạt động trên nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; dân chủ, bình đẳng và công khai minh bạch.
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. (Ảnh: Quochoi.vn)
Tuy nhiên ông Phùng Quốc Hiển đề nghị bổ sung thêm 2 nguyên tắc: Phù hợp với đường lối của Đảng và phản ánh được tâm tư nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân.
"Nếu kỳ họp không “chở trên mình” được đường lối của Đảng và không đảm bảo tâm tư nguyện vọng của nhân dân thì kỳ họp không chất lượng” - ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Từ kỳ họp bất thường lần thứ nhất vừa qua đã đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu về lý luận và thực tiễn về nội dung, điều kiện tổ chức, quy trình, thủ tục…Theo các đại biểu, kỳ họp bất thường chỉ xem xét, quyết định đối với những nội dung thực sự cấp bách, đã rõ, đã chín, các quyết sách sau khi được ban hành phải cụ thể và thực hiện ngay.
Từ nghiên cứu của các nghị viện trên thế giới, Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, nên có bộ quy định riêng cho kỳ họp bất thường.
“Nếu cần một kỳ họp bất thường thì rõ ràng là không nên biến thành bình thường. Đã bất thường thì nảy sinh một số vấn đề. Vấn đề thứ nhất, nội dung gì thì bất thường? Quả thực là các nghị viện cũng không quy định nội dung gì bất thường. Bởi vì, có khi một vấn đề trở nên bất thường vì hoàn cảnh khách quan, như dịch bệnh. Thành thử chỉ quy định về thủ tục có phiên họp bất thường, nhưng không quy định nội dung. Bởi vì nội dung thì vô tận” - ông Nguyễn Sĩ Dũng cho biết.
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh, việc đổi mới cung cấp thông tin và tài liệu cho đại biểu Quốc hội là yêu cầu cấp thiết cho đổi mới cho hoạt động của kỳ họp Quốc hội.
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền
Bởi theo ông, đến kỳ họp Quốc hội, đại biểu nhận được hàng chục kg với hàng nghìn trang giấy, liệu có ai đọc hết? Như vậy rất lãng phí, đại biểu không tiếp thu được và phát biểu theo cảm tính. Cho nên quá trình gửi tài liệu, gửi thông tin cho đại biểu Quốc hội phải diễn ra suốt trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội. Khi đó, đại biểu có thời gian để nghiên cứu, tập hợp tài liệu, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia. Qua đó hình thành quan điểm ý kiến mang tính khoa học có căn cứ, chứ không phải là theo cảm tính.
Các đại biểu kỳ vọng nhiều hơn sự đổi mới của kỳ họp Quốc hội đáp ứng các yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế. Sự đổi mới đó phải gắn chặt và đồng bộ với yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền; vừa kế thừa những điểm phù hợp, song đồng thời phải khắc phục căn bản những điểm tồn tại và tinh thần đổi mới phải là yếu tố chủ đạo. Đồng thời đề nghị bổ sung các giải pháp căn cơ, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Theo Lại Hoa (VOV1)