DN PHỤC HỒI SẢN XUẤT KINH DOANH:
Linh hoạt thích ứng, tạo nhiều tác động tích cực
Nét đáng phấn khởi khi quan sát hoạt động của các DN ở tỉnh ta là việc chuyển đổi từ “zero Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” rất linh hoạt, nhờ đó tạo ra nhiều tác động tích cực trong xã hội. Việc DN chủ động phòng, chống dịch phù hợp tình hình sản xuất, kinh doanh hứa hẹn sớm đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Một số ngành chủ lực đã phục hồi và tăng trưởng
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2.2022 tăng 8,2%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,6%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 9,09%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 1,5%. Các ngành công nghiệp đang hoạt động trong bối cảnh cả nước mở cửa nền kinh tế trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt; một số ngành chủ lực đã có sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể như nhóm chế biến thủy sản, dệt, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, sản xuất và phân phối điện...
Với nhiều đơn hàng mới, nhiều DN may hứa hẹn sẽ đạt mức tăng trưởng khá tốt trong năm 2022. Ảnh: HẢI YẾN
Bà Đồng Thị Ánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty PISICO Bình Định - CTCP cho biết: Năm 2021, dù rất khó khăn nhưng DN nỗ lực đạt doanh thu trên 1.890 tỷ đồng, đạt 125% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế toàn hệ thống 56,6 tỷ đồng, đạt 115% so với kế hoạch. Công ty có 1.500 lao động, thu nhập bình quân đạt 8,5 triệu đồng/ người/tháng, tăng 9% so với nghị quyết Hội nghị người lao động năm 2021 đề ra. Đây là chỗ dựa để chúng tôi tăng tốc. Đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn khá phức tạp, nguy cơ bùng phát vẫn hiển hiện, do đó chúng tôi không hề chủ quan.
Trong khi đó, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định phân tích: Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 2 tháng đầu năm 2022 tăng 7,1%. Nguyên nhân tăng do ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,2%. Đây là cơ hội cho các DN chế biến gỗ trong tỉnh mở rộng sản xuất. Ngoài ra, sản xuất bàn ghế nhựa giả mây cũng tiếp tục được ưa chuộng tại thị trường quốc tế, nhất là Hoa Kỳ. Những ngành vừa kể ảnh hưởng lớn đến chỉ số sản xuất chung ngành công nghiệp, và đây là các ngành sử dụng nhiều lao động nhất, tác động gián tiếp là tạo mức độ ổn định an sinh xã hội lớn. Do đó, việc đảm bảo cho các DN thuộc các ngành trên tiếp tục thích ứng linh hoạt, sản xuất an toàn nên được chính quyền và các ngành quan tâm, hỗ trợ, coi đây là một cách đảm bảo nền tảng phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2021 giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ đạt khoảng 890 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳnăm 2020, chiếm khoảng 68% tổng giá trịxuất khẩu của tỉnh. Những tháng đầu năm 2022, các DN có nhiều thuận lợi, bứt phá. Nhiều DN lớn như Tiến Đạt, Đại Thành, Thắng Lợi (Phú Tài), Thiên Phát… nhận thêm nhiều đơn hàng từ thị trường Mỹ và châu Âu. Các DN theo đó giám sát chặt chẽ những rủi ro liên quan chính sách đầu tư, thương mại từ các hiệp định thương mại/đầu tư tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP... DN xem xét cơ cấu lại tổ chức, sắp xếp lại dây chuyền sản xuất, cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm theo các chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, DN chủ động nghiên cứu, nắm bắt xu hướng bán hàng của các nhà mua hàng lớn qua các kênh mua bán hiện đại và tập trung mở rộng thị phần tại Hoa Kỳ, EU thông qua các khách hàng lớn.
Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN
Theo Cục Thống kê tỉnh, ngành chế biến thực phẩm tăng 13,3% trong 2 tháng đầu năm 2022. Các đơn hàng xuất khẩu tiếp tục tăng cao, DN chếbiến thủy hải sản hoạt động hết công suất. Ví dụ, Công ty TNHH Thủy sản An Hải đi vào hoạt động từtháng 1.2022, sản lượng cáphi lêtăng 56,4%, tôm đông lạnh tăng 84,1%. Sản lượng sữa tăng 50,6% do mởrộng nhàmáy sữa. DN chăm lo cho công nhân lao động như: Test nhanh định kỳ, đổi khẩu phần cơm theo dạng tự chọn món ăn, tăng sức đề kháng cho công nhân, lao động bằng cách bổ sung thêm nước trái cây giữa giờ, tạo sân chơi thể thao rèn luyện thể lực…
Công ty TNHH Sông Kôn là một trong những DN điển hình của ngành chế biến gỗ biết cách thích ứng linh hoạt đảm bảo tăng trưởng sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Công ty TNHH Sông Kôn
Tuy nhiên, những gì cộng đồng DN đạt được mới chỉ là bước đầu trong quá trình phục hồi. Theo nhận định của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, các DN vẫn đối diện một số thách thức lớn, như: Chưa khắc phục hết tình trạng đứt gãy liên kết cung - cầu, tăng giá nguyên vật liệu... Các DN cần tranh thủ tối đa cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường đã ký hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để bù đắp cho giai đoạn trầm lắng vừa qua.
Với những DN xây dựng, vận tải… đang cố gắng “lấy ngắn nuôi dài” khi giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao, khiến DN gặp rất nhiều khó khăn. Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Chỉ số sử dụng lao động tháng 2.2022 của tỉnh theo Cục Thống kê tăng 1,8% so cùng kỳ. Một số ngành sử dụng lao động nhiều hơn cùng kỳ như: Chế biến thực phẩm tăng 8,8%; dệt tăng 9,8%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 6,3%... Nhìn chung, các DN ở tỉnh ta một mặt rất nghiêm túc đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19, mặt khác tích cực tiếp cận thị trường tìm kiếm khách hàng, ký kết các đơn hàng đảm bảo được việc làm, ổn định đời sống cho người lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh có tăng trưởng so với cùng kỳ. Sở Công Thương sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ, sâu sát với tinh thần sẻ chia, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để DN phục hồi, phát triển. Trước mắt, chuẩn bị kế hoạch cho hơn 28.000 lao động được tiêm vắn xin Covid-19 mũi 3”.
HẢI YẾN