Hãy cố hiểu chính mình trước khi lựa chọn!
LTS: Bạn đọc thân mến, từ số báo Chủ nhật này Báo Bình Ðịnh mở chuyên trang Gặp gỡ & Trò chuyện ở trang 8, trang Văn hóa - Nghệ thuật chuyển sang trang 9, trang Thể thao chuyển sang trang 10. Sự thay đổi này không nằm ngoài mục đích phục vụ bạn đọc tốt hơn.
Trân trọng!
Ðó là lời khuyên của bà Phan Thị Ly Giang, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn, TP Quy Nhơn trong câu chuyện học sinh chọn trường, chọn nghề, với những trăn trở của người từng đưa sang sông nhiều “chuyến đò”, đồng thời đứng lớp môn hướng nghiệp.
Quan trọng là bản thân thích và có khả năng làm tốt
Hướng nghiệp là một nhiệm vụ rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông. Với gần 30 năm trong nghề, bà Phan Thị Ly Giang dành cho vấn đề này khá nhiều sự quan tâm, 2 năm gần đây bà còn đứng lớp trực tiếp dạy hướng nghiệp cho học sinh.
● Một kỳ tuyển sinh đại học nữa sắp tới. Thực tế cho thấy, nhiều học sinh không được định hướng đúng về nghề nghiệp, dẫn đến tình trạng “học một đàng, ra trường làm một nẻo”?
- Rất nhiều người trong chúng ta còn khá mơ hồ về việc này, vì thế nhiều học sinh không được định hướng đúng về nghề nghiệp trong thời kỳ học phổ thông, dẫn đến tình trạng “học một đàng nhưng ra trường làm một nẻo”, rồi thất nghiệp.
Gần 30 năm trong nghề, “đứng lớp” hướng nghiệp cho cô Giang nhiều góc nhìn chọn trường, chọn nghề. Ảnh: THU HIỀN
Trong định hướng nghề nghiệp, chính bản thân học sinh đóng vai trò quan trọng nhất. Nhưng rất nhiều em không làm được việc đó vì không biết phải làm như thế nào. Tôi luôn nói với học sinh, muốn định hướng nghề nghiệp đúng trước hết, các em cần tìm hiểu bản thân mình về năng lực (kiến thức, kỹ năng, sức khỏe phù hợp công việc), sở thích, quan niệm giá trị nghề nghiệp. Tìm hiểu về tính chất của những nghề nghiệp khác nhau trong xã hội, từ đó đối chiếu lựa chọn phù hợp. Tìm hiểu về nhu cầu nghề nghiệp của xã hội trong tương lai. Và chọn được ngành nghề phù hợp rồi mới tìm hiểu các trường đào tạo, yêu cầu tuyển sinh để có chuẩn bị.
● Thưa bà, trường Lê Quý Đôn từng mời nhiều chuyên gia, gặt hái nhiều thành công, điển hình là doanh nhân Hoàng Nam Tiến - thời điểm ấy là Chủ tịch FPT Software, nói chuyện cùng học sinh…
- Đây là cơ hội rất tốt trong hướng nghiệp cho học sinh. Hoàng Nam Tiến là bạn học thời phổ thông của tôi ở trường Chu Văn An, Hà Nội. Hồi đó, biết Tiến vào Bình Định làm việc với tỉnh, tôi “đặt lịch” bạn “kiểu gì cũng phải dành một buổi đến nói chuyện với học sinh trường mình”. Sức tác động của những người thành đạt, có ảnh hưởng xã hội rất lớn, họ sẽ truyền cảm hứng, động lực tích cực giúp các em phấn đấu.
Trường Lê Quý Đôn cũng tăng cường công tác hướng nghiệp thông qua việc cho học sinh tham quan và tham gia các hoạt động trải nghiệm tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất… Rất tiếc, dịch Covid-19 làm cho hoạt động này bị gián đoạn.
● Hiện xã hội đang có “định kiến” với các môn khoa học tự nhiên, nhất là ngành khoa học cơ bản, bởi học đã khó, ra trường càng “kén” việc, trong khi có nhiều ngành rất “hot” như kinh tế, dịch vụ, bà nghĩ gì về vấn đề này?
- Việc lựa chọn ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu lớn, là ngành “hot” không có gì sai. Quan trọng là bản thân mình phải thích và có khả năng làm tốt ngành đó. Ngành khoa học cơ bản không phải ai cũng theo đuổi được, nhưng với những học sinh có khả năng nghiên cứu và đam mê nghiên cứu thì đó vẫn là lựa chọn tốt. Trường chuyên Lê Quý Đôn từng có những học sinh giỏi quốc gia lúc đầu lựa chọn những ngành “hot” để theo học, nhưng sau đó nhận ra đam mê nghiên cứu khoa học, nên các bạn mạnh dạn chọn lại và thành công.
Thế nên như ở trên tôi có nói - các em cần tìm hiểu bản thân mình về năng lực; hãy cố hiểu chính mình trước khi lựa chọn, quyết định!
Xu hướng chọn du học sau khi tốt nghiệp THPT đang ngày càng phổ biến…
Học sinh trường chuyên như Lê Quý Đôn, không ít bạn chọn con đường du học với mong muốn tiếp cận những nền giáo dục tiên tiến. Đó là điều rất tốt, bởi xuất phát từ học lực của học sinh và khả năng tài chính của gia đình. Dù vậy cần phải xác định rõ mục tiêu du học là gì? Chọn ngành nào? Nước nào? Mình nghĩ việc học tập ngành đó, sống ở nước đó trong một thời gian dài có phù hợp với sức khỏe, sở thích và định hướng lâu dài hay không rất quan trọng.
Tôi học cả từ học sinh
Gốc người Bình Định, nhưng từ tiểu học cho đến THPT, bà Phan Thị Ly Giang học ở Trường Chu Văn An (Hà Nội). Học chuyên Toán thời phổ thông nhưng sau đó bà “rẽ ngang” thi đại học ngành sư phạm Vật lý, Trường ĐH Quy Nhơn…
● Học chuyên Toán ở bậc phổ thông nhưng vào đại học bà lại chuyển sang Vật lý…
- Tôi học chuyên Toán ở trường Chu Văn An từ lớp 2 đến lớp 10. Nhưng không phải xuất phát từ đam mê hay tố chất gì đâu! Hồi nhỏ tôi sống với ông bà ngoại ở Hà Nội, ông rất thích Toán và cho tôi thi vào lớp chuyên Toán, tôi đỗ, thế là học thôi. Học chuyên Toán ở trường Chu Văn An, nhưng nói thật là tôi cũng chỉ thuộc loại xoàng trong lớp, không thật đam mê. Nhưng nhờ học với những người thầy giỏi, bạn giỏi, tôi có được tư duy mạch lạc, rõ ràng, thông suốt, điều này giúp ích rất nhiều cho công việc và cuộc sống.
Xin nói thêm một chút là năm lớp 10, tôi đã thi và đậu vào lớp chuyên Vật lý của thành phố, nhưng vì đậu cả lớp chuyên Toán nên tiếp tục học Toán như là lẽ tất nhiên. Giờ nghĩ lại cũng… hơi tiếc! Giá hồi đó học chuyên Vật lý… thì đúng với đam mê của mình hơn.
● Ra trường, làm giáo viên đứng lớp môn Vật lý, rồi tổ trưởng bộ môn này, bà làm nhiều người bất ngờ khi là giáo viên duy nhất “săn” được học bổng Chương trình Fulbright, nhưng là cao học về… kinh tế?
- Tôi thích học và luôn nghĩ rằng học sẽ giúp mình nâng cao giá trị bản thân và có ích cho công việc, cuộc sống. Sau khi ra trường, đi dạy, tôi vẫn luôn muốn học lên nữa, nhưng bấy giờ khoa Vật lý Trường ĐH Quy Nhơn chưa đào tạo cao học, nên vẫn chần chừ. Tình cờ năm 2007, tôi biết đến chương trình sau đại học về Chính sách công của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright qua… một mẩu tin quảng cáo.
Trước đó cũng có nghe nói nhiều về học bổng Fulbright đi Mỹ rất danh giá, nhưng nằm ngoài khả năng của tôi (do hạn chế về ngoại ngữ). Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam rất thú vị, đồng thời cũng không có “rào cản” về ngôn ngữ (cũng dạy tiếng Anh song lại có phiên dịch). Chương trình còn cấp học bổng toàn phần gồm học phí, sinh hoạt phí, tiền trọ, đi lại. Tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời ở Fulbright!
Năm 1990, cô Giang tốt nghiệp đại học, dạy tại Trường chuyên tỉnh Nghĩa Bình. Sau đó, là một trong 3 biên chế đầu tiên về “gầy dựng” Trường THPT Trần Cao Vân. 23 năm gắn bó, từ giáo viên tới phó hiệu trưởng, bà cùng góp vào thành công đưa trường vượt ra khỏi “cái bóng” trường ngoài công lập đầu vào thấp, mạnh về nghiên cứu khoa học. Từ tháng 1.2015, bà được điều động làm Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
● Bà vẫn luôn nói rằng hai năm theo học chương trình thạc sĩ Chính sách công ở Fulbright đã giúp con người mình thay đổi rất nhiều theo hướng tích cực?
- Ví dụ thế này. Tôi là giáo viên, môi trường xung quanh mình từ lúc đi học cho đến lúc đi làm đều rất đơn thuần, chủ yếu những người có suy nghĩ giống mình. Vì vậy, khi tranh luận và nhìn nhận về một vấn đề thường dễ đồng thuận, dễ dẫn đến kết luận “một chiều”. Vào học ở Fulbright, lần đầu tiên tôi học theo phương pháp “nghiên cứu tình huống” (case study), rất bất ngờ khi nghe mọi người bày tỏ quan điểm cá nhân, ai nói cũng có lý, nhưng quan điểm lại rất khác nhau, thậm chí trái ngược.
Bài học tôi rút ra là ai cũng có góc nhìn riêng, muốn nhìn nhận giải quyết một vấn đề thì phải theo nhiều góc độ khác nhau, nhất là góc độ của những người chịu tác động; từ đó lựa chọn giải pháp tối đa hóa được phúc lợi của cộng đồng - điều này tương tự với khái niệm tối ưu Pareto trong kinh tế học.
Học ở Fulbright cũng giúp tôi nhận ra rằng mỗi người đều có điểm mạnh, điểm yếu. Những suy nghĩ mới mẻ này đóng góp rất tích cực trong giáo dục học sinh, giáo dục con cái, cũng như công tác quản lý. Tôi biết lắng nghe nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn từ người xung quanh, kể cả từ học sinh của mình, và đặc biệt là biết tôn trọng sự khác biệt.
● Cảm ơn bà!
Để có lựa chọn chính xác nên trò chuyện thật nhiều
Không ít em nói với tôi rằng, thầy cô dạy hướng nghiệp như thế chứ chúng em không có quyền quyết định, bố mẹ quyết hết.
Tôi biết việc này và nghĩ các bậc phụ huynh nên nhìn nhận thật thấu đáo việc này để điều chỉnh mình, vì lẽ nghề nghiệp của con là cả cuộc đời và tương lai của các em. Con cần phải hạnh phúc với công việc thì tương lai của các em mới rõ ràng.
Nhưng về phía học sinh, tôi cũng muốn nói với các em rằng: Tại sao bố mẹ không cho các em quyết định tương lai của mình? Có phải là vì các em chưa tự mình trang bị đủ các lý lẽ để thuyết phục. Bố mẹ không thể đồng ý nếu các em lựa chọn chỉ vì sở thích hay “theo đuôi” bạn bè. Nếu các em tìm hiểu bản thân và nghề nghiệp một cách nghiêm túc và toàn diện như trên đã nói và có thể trình bày rõ cho bố mẹ thấy sự lựa chọn hợp lý, khi ấy cô tin bố mẹ sẽ thảo luận với các em và cùng đưa ra những lựa chọn phù hợp.
THU HIỀN (Thực hiện)