Bình Ðịnh hướng tới chính quyền số
Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh, “con tàu” chuyển đổi số của Bình Ðịnh đang dần tăng tốc trên hành trình hướng tới chính quyền số, đô thị thông minh.
Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử tại Bình Định thời gian qua đã có một số chuyển biến quan trọng, tạo tiền đề cho phát triển chính quyền số. Cụ thể, chính quyền điện tử liên thông, đồng bộ 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) từng bước được đầu tư và hiện đại hóa. Dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử được nhân rộng. Giải pháp hội nghị trực tuyến được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành từng bước được xây dựng...
Trung tâm Giám sát - Điều hành đô thị thông minh được ví như “bộ não số” của tỉnh, có thể tổng hợp dữ liệu thông tin toàn tỉnh. Ảnh: HỒNG HÀ
Tuy vậy, tổng quan có thể thấy việc triển khai chính quyền điện tử chưa đáp ứng được kỳ vọng. Nhận thức về chuyển đổi số giữa các ngành, cơ quan trong tỉnh chưa đồng đều. Ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính chưa sâu rộng. Việc chuyển đổi số ở các DN, địa phương còn chậm, thiếu mạnh dạn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật CNTT...
Đến năm 2021, Trung tâm Giám sát - Điều hành đô thị thông minh tỉnh (IOC) ra đời, đánh dấu một bước ngoặt mới trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh. Chưa bao giờ sự kết nối, tương tác giữa chính quyền và người dân trở nên thuận tiện và gần gũi đến vậy.
Anh Nguyễn Minh Đức (TP Quy Nhơn) chia sẻ: “Qua chiếc điện thoại thông minh, cứ mỗi sáng thức dậy là tôi cập nhật ngay diễn biến tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh qua nguồn tin chính thống là trang Zalo OA: Chính quyền điện tử tỉnh Bình Định. Tôi cũng có thể tương tác bằng cách gởi các phản ảnh, kiến nghị qua ứng dụng Bình Định Smartcity”.
Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, hướng đến năm 2030 xác định tập trung triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột: Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số. Trong đó, các lĩnh vực được ưu tiên gồm: Giáo dục, y tế, quản lý hành chính, du lịch, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, phát triển kinh tế biển, giao thông vận tải và logistics. Nghị quyết trở thành “kim chỉ nam” định hướng cho sự phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số giai đoạn mới của tỉnh.
UBND tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty CP FPT để thúc đẩy chuyển đổi số. Nội dung thỏa thuận nhằm đưa Bình Định sớm trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về chuyển đổi số; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh từ cơ quan nhà nước đến người dân và DN, góp phần xây dựng cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất và tiêu thụ dựa trên công nghệ số; đồng thời, đưa Bình Định trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) của khu vực.
Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, thời gian qua, Công ty CP FPT đã tập trung triển khai dự án Trung tâm AI nằm tại phường Trần Quang Diệu và phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn). Dự án dự kiến gồm: Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ, chuyên sâu AI; cơ sở sản xuất sản phẩm phần mềm. Công ty cũng xây dựng và đưa vào hoạt động Trường ĐH FPT tại Bình Định. Trường dự kiến sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là AI cho Bình Định và cả nước.
UBND tỉnh cũng phê duyệt Đề án thành lập Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định tại phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), thúc đẩy việc gia nhập Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung.
Nhìn nhận về các giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số trong thời gian tới, ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT cho biết: “Bình Định cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực số và xây dựng công dân số; tạo môi trường cho các “sếu đầu đàn” như FPT, TMA Solutions triển khai thành công các dự án tại Bình Định; xây dựng kho dữ liệu số của tỉnh; đồng thời có chính sách khuyến khích cho các DN vừa và nhỏ chuyển đổi số; đầu tư để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin”.
Kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh trong năm 2022 đã được cụ thể hóa bằng 19 nhiệm vụ và nhóm nhiệm vụ, phân công theo từng sở, ngành, đơn vị liên quan. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long khẳng định: “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước, DN và người dân, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Chỉ có chính quyền điện tử, chính quyền số mới giúp đảm bảo duy trì hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong điều kiện giãn cách xã hội như trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Chúng ta cần trang bị những kiến thức cần thiết để trở thành những người đồng hành trong quá trình chuyển đổi số của nhân loại”.
HỒNG HÀ