Đảm bảo an toàn hoạt động sản xuất nông nghiệp
Qua 2 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy những tín hiệu khả quan, các lĩnh vực tăng trưởng đều. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn sản xuất, hạn chế thấp nhất các nguy cơ, tác động do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Linh hoạt thích ứng, không chủ quan
Trong bối cảnh thích ứng với bình thường mới, ngành Nông nghiệp tỉnh xác định sản xuất nông nghiệp theo phương châm kiểm soát an toàn, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Theo đó, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực trên mọi phương diện.
Nhiều DN trên địa bàn tỉnh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: THU DỊU
Về trồng trọt, tiến độ gieo trồng và chăm sóc cây trồng đảm bảo kế hoạch đặt ra. Hiện, nông dân trong tỉnh tập trung chăm sóc lúa vụ Đông Xuân, theo dõi tình hình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây trồng, đặc biệt là cây lúa. Trên lĩnh vực chăn nuôi, hoạt động tái đàn và chuyển hướng chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi công nghệ cao phát triển mạnh. Đến nay, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đàn bò ước đạt gần 298 nghìn con - tăng 2%, đàn heo hơn 765 nghìn con - tăng 14,3%, đàn gia cầm 8,8 triệu con - tăng 6,9%. Các lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới… đều triển khai đúng kế hoạch đặt ra.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá: Trong 2 tháng đầu năm, nhờ thời tiết thuận lợi, giá cả các mặt hàng thủy sản ổn định nên ngư dân Bình Định tích cực bám biển khai thác, thu nhập trong chuyến biển xuyên tết tăng lên. Trong chăn nuôi, nhờ thị trường tiêu thụ thịt hơi tăng mạnh dịp Tết, người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn, phục hồi sản xuất. Trên lĩnh vực lâm nghiệp, nhờ kết hợp công nghệ thông tin trong công tác dự báo, công tác bảo vệ rừng và PCCC rừng tiếp tục được các ngành chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh, triển khai thực hiện tốt; trong 2 tháng đầu năm không ghi nhận vụ cháy, tình trạng phá rừng trái pháp luật được kéo giảm…
Đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp
Là một địa phương phát triển mạnh về chăn nuôi, ngay từ đầu năm, huyện Hoài Ân xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp, giải pháp cụ thể ứng phó với nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp huyện, nhờ có kinh nghiệm trong công tác triển khai phòng, chống dịch, kế hoạch tiêm phòng, đặc biệt là ý thức của người dân trong bảo vệ tài sản ngày càng cao, đến nay Hoài Ân cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên đàn vật nuôi; đảm bảo an toàn hoạt động sản xuất nông nghiệp, khôi phục và tái đàn gia súc, gia cầm hiệu quả. Với kinh nghiệm nhiều năm trong ứng phó với dịch bệnh trên đàn vật nuôi, chính quyền địa phương chỉ đạo đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ tình trạng mua bán, vận chuyển vật nuôi trên địa bàn huyện. Toàn huyện đã tiêm vắc xin dịch bệnh viêm da nổi cục cho 4.542/21.000 con trâu, bò tiêm phòng bổ sung; đồng thời xây dựng kế hoạch tiêm phòng đợt 1.2022 cho đàn vật nuôi đảm bảo kế hoạch. Cùng với đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi chuyển hướng sang chăn nuôi an toàn, bền vững. Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cho biết: “Chúng tôi xác định phải đi chắc từng bước, kiểm soát dịch hiệu quả, tập trung tối đa cho hoạt động khôi phục sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh bình thường mới”.
Tương tự, ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết, Phù Mỹ triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Giai đoạn này, huyện tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; duy trì sản xuất hiệu quả vụ Đông Xuân. Đặc thù của Phù Mỹ là khô hạn nặng hơn các địa phương khác. Do đó, ngay từ thời điểm này, chính quyền các cấp chủ động lên kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu 2022; lên phương án PCCC rừng ở các khu vực nguy cơ cao.
Theo ông Trần Văn Phúc, Sở tiếp tục theo dõi sát diễn biến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm có giải pháp kịp thời đảm bảo an toàn sản xuất; trường hợp tình hình diễn biến phức tạp tham mưu UBND tỉnh có những chỉ đạo phù hợp.
Không chủ quan, thích ứng tốt và đảm bảo an toàn phòng dịch
“Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi năm 2022; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tuân thủ các quy định phòng, chống dịch; tăng cường kiểm soát thực phẩm có nguồn gốc động vật” - ông HUỲNH NGỌC DIỆP, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y
“Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các địa phương kiểm tra, hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cây trồng vụ Đông Xuân, trong đó, tập trung các đối tượng gây hại trên cây lúa như: Rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột, bệnh đạo ôn… Đồng thời phối hợp với các địa phương tham mưu Sở NN&PTNT chuẩn bị sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 và triển khai sản xuất vụ Hè Thu năm 2022” - ông KIỀU VĂN CANG, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật
THU DỊU