Vào vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022
Từ đầu tháng 3, các vùng nuôi tôm nước lợ ở các địa phương ven biển trong tỉnh xuống giống nuôi vụ 1 năm 2022. Những năm gần đây, người nuôi tôm trong tỉnh thận trọng, tuân thủ lịch thời vụ, khuyến cáo của ngành Nông nghiệp.
Vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn huyện Tuy Phước trải dọc theo đầm Thị Nại với tổng diện tích gần 900 ha, tập trung ở các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng. Đến nay, các hộ nuôi tôm bắt đầu thả giống vụ 1 trong năm.
Bà Võ Thị Lan (thôn Tân Thuận, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) kiểm tra tình hình hồ tôm và cho tôm ăn. Ảnh: THU DỊU
Theo ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, ngay từ đầu vụ, ngành chức năng huyện phối hợp với chính quyền 4 xã nói trên phổ biến kế hoạch, lịch thời vụ và công tác xử lý vệ sinh ao, hồ cho vụ nuôi tôm mới. Với 93 ha diện tích ao hồ có điều kiện thuận lợi, huyện động viên người nuôi áp dụng công nghệ Semi-Biofloc, kỹ thuật trải bạt nền, xử lý chất thải trong quá trình nuôi kết hợp với biện pháp sinh học. Với diện tích còn lại, khuyến cáo người nuôi áp dụng phương thức nuôi quảng canh cải tiến thân thiện môi trường nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Trên cơ sở các hướng dẫn của ngành chức năng, người nuôi tôm ở Tuy Phước từng bước áp dụng và triển khai hiệu quả. Theo bà Võ Thị Lan (ở thôn Tân Thuận, xã Phước Thuận), sau khi có lịch thời vụ, gia đình bà vệ sinh ao nuôi, lựa chọn con giống cẩn trọng. Vụ nuôi năm nay, gia đình bà Lan thả nuôi 30.000 con tôm thẻ chân trắng tại ao nuôi rộng 3.000 m2 của gia đình. Sản phẩm đã được Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn đặt hàng trước. “Người nuôi tôm hiện nay có thuận lợi là được tiếp cận đầy đủ thông tin qua ngành chức năng, từ công tác chuẩn bị, vệ sinh ao nuôi, lựa chọn con giống… Thêm nữa, chúng tôi được hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh áp dụng nhiều công nghệ mới nên dịch bệnh giảm hẳn, hiệu quả kinh tế tăng lên”, bà Lan chia sẻ.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), tổng diện tích nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh năm 2022 là 2.045 ha; trong đó vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 37,9 ha tập trung ở 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ (thực hiện nuôi 3 vụ/năm); vùng nuôi tôm trên cát với diện tích 149 ha tập trung ở các khu vực ven biển Phù Cát và Phù Mỹ; quy mô diện lớn nhất trong nuôi tôm nước lợ là các khu vực nuôi tại các đầm phá, cửa sông với 1.857 ha, riêng Tuy Phước là 868 ha.
Nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh cho hay, nhờ được tiếp cận thông tin đầy đủ (quan trắc hệ thống môi trường nước, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi mới, kỹ thuật xử lý và vệ sinh ao nuôi, cảnh báo về biến động thời tiết…), người nuôi chủ động trong điều chỉnh thời vụ, mật độ và áp dụng KHKT, công nghệ trong nuôi tôm. Theo ông Trần Nguyên Tú, ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, nhờ cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Mỹ động viên, hỗ trợ kỹ thuật, vụ nuôi tôm năm nay gia đình ông đầu tư áp dụng công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trên ao nuôi rộng 1.000 m2; dự kiến giữa tháng 3 đến đầu tháng 4 sẽ thả giống.
Theo nhiều người nuôi tôm, khó khăn nhất là phòng trừ dịch bệnh, do đó trước mỗi vụ nuôi, phần việc quan trọng là xử lý vệ sinh ao nuôi - đây được xem là biện pháp phòng ngừa dịch bệnh hữu hiệu nhất, tiếp đến là lựa chọn giống tôm khỏe mạnh. Hai yếu tố này góp phần kéo giảm dịch bệnh. Việc được tiếp cận đầy đủ thông tin, được hỗ trợ về nhiều mặt giúp người nuôi tôm ngày càng tuân thủ hướng dẫn của ngành chức năng, chủ động báo cáo trong trường hợp ao nuôi phát sinh dịch bệnh để khoanh vùng sớm, xử lý hiệu quả.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), hiện tôm là vật nuôi chủ lực trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, nhằm giúp người nuôi tôm nâng cao hiệu quả, Chi cục tích cực chuyển giao các kỹ thuật trong xử lý vệ sinh ao nuôi, chuyển hướng cho người nuôi tôm sang các hình thức nuôi an toàn sinh học, nuôi tôm áp dụng công nghệ cao. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh, do đó, ngay từ đầu vụ, cán bộ kỹ thuật của Chi cục chủ động phối hợp với địa phương trong triển khai công tác vệ sinh ao nuôi; trong suốt vụ nuôi, các cán bộ đứng chân địa bàn chủ động đi cơ sở lấy mẫu giám sát nhằm kịp thời phát hiện các bất thường, hỗ trợ người nuôi tôm giảm thiệt hại do dịch bệnh”, bà Lan cho biết.
Sáng 8.3, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Phù Cát chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh - bán thâm canh áp dụng công nghệ Semi-Biofloc cho hộ ông Thái Duyên Hạnh (thôn Ngãi An, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát). Mô hình thí điểm với quy mô diện tích 1.500 m2, mật độ thả nuôi 200 con/m2, thời gian triển khai 4 tháng. Trong quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, theo dõi và hỗ trợ người nuôi kịp thời xử lý những tình huống bất thường.
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho hay, trong năm 2022 Trung tâm xây dựng 3 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ Semi-Biofloc tại Phù Cát, Phù Mỹ và TX Hoài Nhơn. Các mô hình này thí điểm thành công sẽ giúp người nuôi tôm mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT và công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Về lâu dài, áp dụng nuôi tôm công nghệ Semi-Biofloc, Biofloc giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, hướng tới nuôi tôm bền vững.
THU DỊU