Mỹ cấm nhập khẩu dầu, khí tự nhiên hóa lỏng và than từ Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8.3 đã tuyên bố cấm toàn bộ các hoạt động nhập khẩu dầu, khí tự nhiên hóa lỏng và than từ Nga. Đây là biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với hành động quân sự của Nga ở Ukraine.
Thông tin từ Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Biden sẽ ký 1 sắc lệnh hành pháp cấm nhập khẩu dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng và than từ Nga. Sắc lệnh này cũng cấm người dân Mỹ tài trợ hoặc tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài đầu tư nhằm sản xuất năng lượng ở Nga.
Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: Getty
Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Biden nhấn mạnh: “Ngày hôm nay tôi tuyên bố Mỹ nhắm tới huyết mạch chính của nền kinh tế Nga. Chúng tôi cấm toàn bộ hoạt động nhập khẩu dầu, khí và năng lượng của Nga. Điều đó có nghĩa dầu của Nga sẽ không được chấp nhận tại các cảng của Mỹ. Quyết định này được cả hai đảng trong quốc hội ủng hộ mạnh mẽ. Quyết định của chúng tôi có sự tham vấn chặt chẽ với các đối tác và đồng minh trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Âu. Tôi luôn tập trung tới việc đạt được sự thống nhất với NATO, EU và các đồng minh trong việc ứng phó với hành động của Nga.
Chúng tôi tiến hành lệnh cấm này và hiểu rằng nhiều đối tác và đồng minh châu Âu chưa sẵn sàng cùng tham gia. Sản lượng dầu trong nước của Mỹ nhiều hơn rất nhiều so với toàn bộ các nước châu Âu cộng lại và trên thực tế Mỹ là một quốc gia xuất khẩu ròng năng lượng, do đó, chúng tôi có thể làm được điều này, các nước khác thì không. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang phối hợp chặt chẽ với châu Âu và các đối tác để phát triển một chiến lược lâu dài nhằm làm giảm sự phụ thuộc của họ vào năng lượng của Nga”.
Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu từ Nga gần 700.000 thùng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế mỗi ngày và lệnh cấm này dự kiến sẽ gây thiệt hại hàng tỷ USD đối với Nga từ thị trường Mỹ hàng năm. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Biden cũng nhấn mạnh, quyết định này cũng sẽ ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của người dân Mỹ.
“Quyết định ngày hôm nay cũng sẽ có những ảnh hưởng trong nước. Kể từ khi Nga tăng cường quân ở biên giới với Ukraine, giá xăng ở Mỹ đã tăng thêm 75 cent và sẽ tiếp tục tăng với quyết định này. Tôi sẽ làm mọi thứ có thể để giảm thiểu tác động trong nước. Mỹ và các đối tác đã thông báo giải phóng 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ và một nửa trong số đó là từ Mỹ nhằm đảm bảo nguồn cung tin cậy cho thị trường năng lượng toàn cầu. Chúng tôi sẽ sử dụng mọi công cụ hiện có để bảo vệ các gia đình và doanh nghiệp Mỹ. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine khiến giá cả leo thang nhưng đây không phải lúc để các công ty dầu khí tận dụng tình hình để tăng giá và trục lợi”.
Giá xăng ở Mỹ đã tăng khá cao kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và gây ảnh hưởng tới thị trường dầu toàn cầu. Giá trung bình 1 ga-lông hoặc gần 3,8 lít xăng ở Mỹ đã lên tới gần 4,14 USD, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Giới chức thuộc chính quyền Tổng thống Mỹ Biden cuối tuần qua đã sang Venezuela để thảo luận về việc cho phép nước này bán dầu ra thị trường quốc tế nhằm thay thế nguồn cung từ Nga. Tổng thống Mỹ Biden cũng có thể thăm Saudi Arabia để thuyết phục nước này tăng sản lượng dầu trong thời gian tới.
Theo Phạm Huân (VOV)