Bầu cử tổng thống Hàn Quốc: Cử tri đối mặt với lựa chọn khó khăn
Hôm nay (9.3) diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc nhằm tìm ra người kế nhiệm Tổng thống Moon Jae-in - người lãnh đạo đất nước Hàn Quốc trong 5 năm qua.
Sau 20 ngày tranh cử, cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 20 của Hàn Quốc hiện tại chỉ còn là cuộc đua của hai ứng cử viên gồm ông Lee Jae Myung của Đảng Dân chủ Hàn Quốc và ông Yoon Suk Yeol của Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) đối lập.
Cử tri Hàn Quốc đi bỏ phiếu sớm bầu cử Tổng thống trong ngày 4.3 ở Seoul. Ảnh: yonhap News
Các kết quả thăm dò trước bầu cử cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với 2 ứng cử viên này gần như ngang nhau bởi thế kết quả cuộc bầu cử được dự đoán sẽ rất sít sao. Trong khi đó, theo giới quan sát, những di sản của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in trong nhiệm kỳ 5 năm qua là những yếu tố quan trọng để cử tri soi chiếu trong việc bầu chọn người lãnh đạo kế tiếp.
Cử tri Hàn Quốc đối mặt với lựa chọn khó khăn
Ngày 9.3, hơn 44 triệu cử tri của Hàn Quốc sẽ tham gia bỏ phiếu để bầu ra tổng thống thứ 20. Trên thực tế, do diễn biến của dịch Covid-19 phức tạp, và dự báo đỉnh dịch sẽ diễn ra vào cuối tháng 3 này, nên từ ngày 4.3, một số khu vực của Hàn Quốc đã tổ chức bỏ phiếu sớm.
Theo luật, việc thăm dò sự ủng hộ của cử tri đối với hai ứng cử trên cũng đã bị cấm từ ngày 3.3 trước đó. Nhìn từ lịch sử các cuộc bầu cử tổng thống thì hầu như kết quả thăm dò đều ứng với kết qủa bỏ phiếu. Tất cả những ứng cử viên có tỷ lệ ủng hộ cao khi thăm dò đều trở thành tổng thống. Chỉ có những ứng cử viên ở vị trí số 3 hoặc 4 có sắc xuất thay đổi.
Tỷ lệ ủng hộ hai ứng cứ viên lần này là tương đương. Tuy nhiên, ứng cử viên Yoon Suk-yeol do hợp nhất tranh cử với ứng cử viên Đảng vì Quốc dân Ahn Cheol-soo, nên được cho là sẽ có lợi thế hơn.
Mặt khác, ứng cử viên đảng cầm quyền là người có kinh nghiệm chính trị, khẳng định ông đã chuẩn bị kỹ lưỡng để điều hành quốc gia một cách ổn định ở các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và phòng dịch. Còn ứng cử viên đảng đối lập tuy không phải là nghị sĩ Quốc hội, nhưng cho rằng do đã luôn nỗ lực vì nguyện vọng của người dân để có thể trở thành ứng cử viên tổng thống.
Vì vậy, cử tri không quá khó khăn khi điền tên ai, gạch tên ai trong lá phiếu của mình. Bởi vì mỗi cử tri đều đã có lựa chọn cho mình. Mấu chốt ở đây là số lượng cử tri ủng hộ ứng cử viên Đảng vì quốc dân có còn ủng hộ như ban đầu trước khi hợp nhất tranh cử hay không? Bởi vì có nhiều cử tri có thể sẽ quay ra ủng hộ cho ứng cử viên Đảng cầm quyền.
Dấu ấn nổi bật của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in
Tổng thống Moon Jae-in đã đạt được nhiều thành công mà không phải vị tổng thống nào cũng làm được, đặc biệt trong giai đoạn được đánh giá có nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong bài phát biểu kết thúc nhiệm kỳ, Tổng thống Moon Jae-in đánh giá rằng sức mạnh và vị thế của Hàn Quốc đã được nâng lên đáng kể, khi trở thành một trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới dựa trên những tiêu chí toàn diện, bao gồm kinh tế, quốc phòng, đối ngoại, văn hóa, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế.
Hàn Quốc là nước đang phát triển duy nhất vươn lên vị thế của một nước phát triển tiên tiến tính từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc.
Đại dịch Covid-19 bùng phát và những bê bối, chia rẽ sâu sắc trong nội bộ là những nguyên nhân khiến nền kinh tế Hàn Quốc có thời điểm rơi vào vùng tăng trưởng âm. Tuy nhiên, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn đạt 4% trong năm 2021, cao nhất trong 11 năm kể từ mức 6,8% vào năm 2010.
Thu nhập bình quân đầu người (GNI) vượt mốc 30.000 USD/năm vào năm 2020 và tăng lên lên 35.000 USD trong năm 2021.
Về đối ngoại, sau khi nhậm chức, Tổng thống Moon Jae-in đã kêu gọi nỗ lực cải thiện hơn nữa quan hệ với 4 nước là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga. Mặt khác, tích cực cải thiện quan hệ với Triều Triên, góp phần thúc đẩy các đối thoại chưa từng có trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên nhằm thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, vấn đề nhiều thập kỷ qua chưa thể giải quyết.
Quan hệ đồng minh với Mỹ tốt đẹp, giảm căng thẳng mâu thuẫn với Nhật Bản, tích cực hợp tác vì lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhiệm kỳ vừa qua vẫn còn tồn tại những vấn đề chưa thể giải quyết trong đó giá bất động sản trở nên tăng đột biến. Từ năm 2017 đến nay, giá bất động sản là các căn hộ tại các thành phố lớn đã tăng gấp đôi. Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của Hàn Quốc ở mức trên 105%, mức cao nhất trên thế giới và gần gấp đôi mức trung bình trong Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao khiến các cử tri trẻ không mấy hứng thú với việc bầu cử…
Thách thức với chính quyền mới
Ngoài việc phải giải quyết những vấn đề còn tồn tại của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, tân tổng thống của Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề như tiếp tục khống chế dịch Covid-19, đưa sinh hoạt người dân trở lại bình thường, thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện hậu Covid-19, duy trì tăng trưởng...
Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đưa ra kế hoạch phải đạt mục tiêu tăng trưởng 4% trong năm 2022, 3,1% trong năm 2023. Đây có thể nói là nhiệm vụ rất nặng nề của chình quyền mới, nhất là khi ngoài dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thì các mâu thuẫn của thế giới, ví dụ như Nga-Ukraine chẳng hạn… cũng có ảnh hưởng khá lớn.
Theo chuyên gia Hàn Quốc một vấn đề nghiêm trọng khác là nợ quốc gia. Thời gian qua, Seoul đã bơm tiền nhiều vào thị trường để kích thích nền kinh tế và trong quá trình trả nợ công, có thể phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, song động thái này có thể khiến lãi suất tăng. Do đó, chính phủ cần xem xét tất cả các yếu tố và hoạch định chính sách một cách tỉ mỉ.
Bất chấp đại dịch, xuất khẩu của Hàn Quốc đã đạt con số cao kỷ lục trong năm 2021, biến khủng hoảng thành cơ hội. Hàn Quốc cần duy trì phong độ ấn tượng đó, để có thể thực hiện tốt kế hoạch kinh tế của chính phủ. Dư luận cũng hy vọng sự cải thiện không chỉ phản ánh qua những con số vĩ mô mà cả trong sinh kế của người dân.
Theo Bùi Hùng (VOV)