Anh nghiên cứu phát triển vắc xin phòng ngừa các bệnh do virus corona
Công ty công nghệ sinh học DIOSynVax thuộc Đại học Cambridge nhận được khoản tài trợ 42 triệu USD để phát triển một loại vắc xin có thể cung cấp khả năng bảo vệ trước những biến thể của virus corona.
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 của hãng Pfizer-BioNTech cho nhân viên y tế tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 8.3 cho biết công ty công nghệ sinh học DIOSynVax thuộc Đại học Cambridge sẽ nhận được khoản tài trợ 42 triệu USD để phát triển một loại vắc xin có thể cung cấp khả năng bảo vệ trước cả những biến thể hiện nay và sau này nếu có của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 cũng như các chủng virus corona khác, trong đó có cả các chủng gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) và Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS).
Khoản đầu tư này do Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng ứng phó dịch bệnh (CEPI) tài trợ nhằm hỗ trợ phát triển một loại vắc xin theo công nghệ mRNA.
Dự án của công ty DIOSynVax do Giáo sư Jonathan Heeney, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Viral Zoonotics thuộc Đại học Cambridge, dẫn đầu sẽ nghiên cứu và lựa chọn kháng nguyên chính thông qua các nghiên cứu tiền lâm sàng và tiến tới phát triển lâm sàng.
DIOSynVax kết hợp nghiên cứu cấu trúc protein, sinh học tính toán và tối ưu hóa khả năng miễn dịch để đạt được khả năng bảo vệ cao nhất mà các loại vắc xin có thể đem lại giúp ngăn ngừa những mối đe dọa toàn cầu, trong đó có các đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay cũng như trong tương lai.
Các ứng cử viên vắc xin do DIOSynVax phát triển có thể được bào chế trên các nền tảng sản xuất và phân phối vắc xin khác nhau.
DIOSynVax sẽ nghiên cứu các ứng cử viên vắc xin ngừa các loại virus gây bệnh sốt xuất huyết, cúm và và virus SARS-CoV-2.
Hiện ứng cử viên vắc xin phòng virus SARS-CoV-2 đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.
Nếu nghiên cứu dựa trên kháng nguyên mới nói trên phát triển thành công bằng cách sử dụng công nghệ mRNA, nghiên cứu này có thể được sử dụng để phát triển nhanh các loại vắc xin chống lại bệnh X, một mầm bệnh giả định có thể gây ra dịch bệnh trong tương lai.
Giáo sư Heeney cho rằng cách tiếp cận của dự án này là nhằm “đón đầu” đại dịch tiếp theo bằng cách cung cấp các kháng nguyên vắc xin được lựa chọn để giúp ngăn ngừa những bệnh do các loại virus phức tạp gây ra như virus họ corona.
Nếu thành công, dự án này sẽ tạo ra một loại vắc xin thế hệ tiếp theo an toàn, giá cả phải chăng để có thể sử dụng rộng rãi.
CEPI, DIOSynVax và Đại học Cambridge cam kết tạo điều kiện cho việc tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với các loại vắc xin được phát triển thông qua cơ chế hợp tác này.
Theo Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)