Cảnh báo tác động của căng thẳng Nga-Ukraine đối với kinh tế ASEAN
The Diplomat đăng bài viết đánh giá nhìn chung các quốc gia ASEAN có thể chứng kiến giá năng lượng và thực phẩm tăng cao hơn cũng như một số cú sốc trong chuỗi cung ứng sản xuất.
Các tàu chở hàng tại cảng Singapore. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 8.3, tờ The Diplomat đăng bài viết nhận định các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine có thể tác động tiêu cực đến các nền kinh tế thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong thời gian tới.
Theo phóng viên, bài viết đánh giá nhìn chung các quốc gia ASEAN có thể chứng kiến giá năng lượng và thực phẩm tăng cao hơn cũng như một số cú sốc trong chuỗi cung ứng sản xuất.
Về giá năng lượng, tác giả nhận định tác động đối với ASEAN không đáng kể do Nga là nước xuất khẩu năng lượng lớn, song nhập khẩu trực tiếp của các nước ASEAN từ Nga còn hạn chế.
Theo trang Atlas of Economic Complexity, trong năm 2019, Singapore nhập khẩu 38,8 tỷ USD dầu tinh luyện, song chỉ có 5,7% trong số đó đến từ Nga. Thái Lan nhập khẩu 16,6 tỷ USD dầu thô nhưng chỉ 3,3% là của Nga.
Việt Nam - nhập khẩu 15% than đá từ Nga - có thể bị tác động nhiều hơn, trong khi Australia và Indonesia có thể đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt.
Tác giả nhấn mạnh năng lượng đã phải chịu áp lực tăng giá trong nhiều tháng qua và căng thẳng giữa Nga và Ukraine đẩy giá năng lượng tăng cao ở nhiều khu vực bất kể các nước có nhập khẩu dầu trực tiếp từ Nga hay không.
Bài viết cũng cho rằng giá lương thực vốn đã leo thang trên toàn cầu do áp lực lạm phát có thể sẽ tăng cao hơn. Đây là lĩnh vực mà các nước ASEAN tiếp xúc trực tiếp nhiều hơn với Nga.
Năm 2019, Indonesia nhập khẩu 2,05 tỷ USD lúa mỳ, trong đó hơn 25% từ Nga và Ukraine. Philippines nhập khẩu 1,45 tỷ USD lúa mỳ, trong đó gần 16% từ Nga và Ukraine. Nhiều quốc gia trong khu vực cũng nhập khẩu nhiều dù ở mức thấp hơn.
Theo bài viết, hoạt động sản xuất cũng có khả năng bị ảnh hưởng. Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu sắt thép bán thành phẩm lớn - nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất ôtô, máy móc và thiết bị điện tử.
Năm 2019, Thái Lan nhập khẩu 21,4% lượng thép bán thành phẩm từ Nga và Ukraine. Tỷ lệ này là 25% đối với Indonesia và gần 50% đối với Philippines.
Một số nước có thể tăng sản xuất nội địa để giải quyết tình trạng thiếu hụt, hoặc các nhà sản xuất như Nhật Bản cũng có thể gia tăng sản lượng. Tuy nhiên, các chuỗi cung ứng bị xáo trộn có thể sẽ gây một số tác động xấu đến sản xuất.
Tác giả bài viết kết luận, hầu hết các quốc gia trong khu vực ASEAN không tiếp xúc trực tiếp quá nhiều với nguồn năng lượng của Nga, nhưng nhiều nước có thể sẽ phải chịu cú sốc về nguồn cung đối với các ngành sản xuất chủ chốt và nhập khẩu nông nghiệp.
(Theo TTXVN/Vietnam+)