EU công bố kế hoạch thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga
Liên minh châu Âu (EU) sẽ chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng từ Nga trước năm 2030 và trước mắt sẽ nỗ lực cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga ngay trong năm nay.
Đây là nội dung kế hoạch thúc đẩy sự độc lập về năng lượng được EU công bố ngày hôm qua (8.3).
EU tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng Nga. Ảnh: Reuters
Theo nội dung được công bố, để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, EU sẽ ưu tiên đa dạng hóa nguồn cung thay thế thông qua nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), đặc biệt là từ Mỹ và Qatar. Theo số liệu thống kê, EU đã nhập khẩu 10 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng trong tháng 1.2022, con số kỷ lục từ trước đến nay và đặt mục tiêu sẽ nhập khoảng 50 tỷ m3 khí này trong năm nay.
Ưu tiên thứ hai của EU là cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt hàng năm hiện nay xuống còn 30% vào năm 2030, đồng thời đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo cũng như phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất và dự trữ năng lượng.
EU dự kiến từ nay đến tháng 4 tới sẽ ban hành văn bản luật yêu cầu các quốc gia thành viên phải nâng mức dự trữ trong kho năng lượng chiến lược từ 30% lên 90% trước tháng 10.2022 để phục vụ nhu cầu cho mùa Đông tới.
Phát biểu trước báo giới, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans cho biết: “Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ thay thế 100 tỷ m3 khối khí đốt đến từ Nga, tương đương 2/3 tổng khối lượng nhập khẩu từ nước này. Điều này sẽ chấm dứt sự phụ thuộc thái của châu Âu vào Nga và mang lại châu Âu năng lực hành động cần thiết.
Ủy ban châu Âu - EC trước mắt vẫn cho phép các quốc gia thành viên tự lựa chọn nhà cung cấp năng lượng trong ngắn hạn, đồng thời xem xét phương án mua chung khí đốt và áp đặt giới hạn giá năng lượng tạm thời để đối phó với tình trạng giá tăng đột biến hiện nay.
EC dự kiến cũng sẽ mở cuộc điều tra về thị trường khí đốt trước khả năng bị chi phối và cạnh tranh thiếu lành mạnh từ các nhà cung cấp khí đốt, đặc biệt là tập đoàn Gazprom của Nga.
Hiện hơn 40% khí đốt tiêu thụ tại châu Âu được nhập khẩu từ Nga. Lo ngại nguồn cung bị gián đoạn ảnh hưởng đến kinh tế, các nước lớn trong EU như Pháp và Đức đến nay vẫn phản đối các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga./.
(Theo Mạnh Hà/VOV-Paris)