An Lão nâng cao năng lực cạnh tranh cho cây trồng chủ lực
Lập quy hoạch vùng sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị - đó là những giải pháp được huyện An Lão hướng tới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho cây trồng chủ lực.
An Lão là huyện miền núi có lợi thế về khí hậu, đất đai phù hợp để phát triển nhiều cây trồng có thế mạnh, giàu tính đặc trưng như: Bưởi, cam, chuối, mì, dứa, cây dược liệu… Thời gian qua, nhờ chú trọng triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp, diện tích cây trồng đặc trưng của huyện đã được mở rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho hộ sản xuất, kinh doanh.
Cây dược liệu được xác định là cây trồng chủ lực ưu tiên phát triển của huyện An Lão. - Trong ảnh: Hướng dẫn nông dân trồng cây chè dây. Ảnh: Hội LHPN huyện An Lão cung cấp
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện An Lão, huyện đã tập trung hình thành các vùng sản xuất cây trồng đặc trưng, xây dựng các dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất đối với những loại cây trồng phù hợp thế mạnh của địa phương. Nhờ vậy, từ chỗ gần như không có vườn cây ăn trái tập trung, chỉ sau một thời gian ngắn, An Lão có hơn 150 ha cây ăn trái đặc trưng, trong đó chủ yếu là cây bưởi, cam, dứa... Đối với cây bưởi da xanh, huyện đã xây dựng các vùng sản xuất có diện tích khoảng 105 ha tại các xã An Hòa, An Tân, An Toàn. Riêng cây quýt đường có diện tích 5 ha tại xã An Hòa.
Huyện cũng đã hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc các cây trồng đặc trưng theo đúng quy trình để đảm bảo chất lượng; cải tạo những diện tích cây ăn trái già cỗi, vùng đồi dốc để xây dựng các vùng sản xuất cây ăn trái theo quy trình an toàn hữu cơ. Đồng thời, huyện tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư; tạo điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực để các công ty, DN triển khai đầu tư; nhờ đó từng bước hình thành vùng sản xuất cây dược liệu tại “cổng trời” An Toàn.
Để đẩy mạnh phát triển các cây trồng đặc trưng, huyện còn thúc đẩy chuỗi giá trị liên kết và đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, phát triển theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với các tiêu chuẩn kỹ thuật như: Sản phẩm an toàn theo chuẩn VietGAP, Organic…
Ngoài ra, để tạo “bệ phóng” cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vươn xa, huyện đã chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu. Toàn huyện hiện có 14 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh và 5 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, gồm: Thịt heo đen An Lão, cam xoàn An Lão, dứa An Lão, mật ong rừng An Lão, chè Tiến Vua.
Nguồn: BTV
Kết quả những nỗ lực đó, tư duy và nhận thức của bà con nông dân dần có sự chuyển đổi từ chỗ sản xuất manh mún, thô sơ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, có áp dụng tiến bộ KHKT, sản xuất an toàn.
Là một trong những hộ đầu tiên trong huyện trồng thử nghiệm cam xoàn, ông Lê Văn Năng (thôn 1, xã An Toàn) chia sẻ: “Được hỗ trợ về cây giống, phân bón và kỹ thuật, gia đình tôi mạnh dạn trồng 40 gốc cam xoàn và 200 gốc bưởi da xanh theo hướng hữu cơ. Theo quy trình, cây được bón phân bò ủ mục, hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Với cách chăm sóc này, năng suất tuy không cao bằng cách làm cũ, nhưng bù lại chất lượng trái tốt hơn, giá bán cao gấp đôi, tính ra lại hiệu quả hơn hẳn. Điều tôi ưng cái bụng nhất là nó thân thiện môi trường, bảo đảm sức khỏe người sản xuất và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng”.
Định hướng phát triển cây trồng chủ lực trong thời gian tới của An Lão là tập trung đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng hiện có ở địa phương như: Bưởi da xanh, cam xoàn, dứa, chè Tiến vua, đặc biệt là cây dược liệu. Trên cơ sở phát triển các loại cây dược liệu hiện có, huyện sẽ tiếp tục phát triển, du nhập các loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện địa hình, khí hậu ở địa phương.
Ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Lão, cho biết: “Năm 2022, chúng tôi triển khai thực hiện dự án đánh giá thích nghi đất đai trên toàn huyện và dự kiến hoàn thành vào cuối năm. Trên cơ sở đánh giá, chúng tôi phân loại những cây trồng gì phù hợp ở địa phương nào, từ đó chọn những cây trồng chủ lực để tập trung đầu tư phát triển. Định hướng trước mắt là mở rộng diện tích 2 loại cây dược liệu và dứa mật. Chúng tôi đang xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ KHKT để nâng cao chất lượng cây dứa mật và hướng tới đầu tư máy ép dứa để tạo ra sản phẩm dứa sấy khô tẩm mật nhằm nâng cao giá trị loại cây trồng chủ lực này”.
HỒNG HÀ