Trồng bí đỏ lấy bông, ngọn và trái non
Trồng bí đỏ lấy bông, ngọn và trái non đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều nông dân ở xã An Hòa, huyện An Lão.
Mấy năm gần đây, chị Phạm Thị Trâm, ở thôn Xuân Phong Bắc, xã An Hòa chuyển đổi dần nhiều diện tích vườn của mình sang trồng bí đỏ theo hình thức lấy bông, ngọn, trái non và triệt để áp dụng phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ. Nhận thấy có thu nhập ổn định, chị đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi và đến nay gia đình đã có 5 sào bí đỏ trồng theo hình thức này.
Từ mô hình trồng bí đỏ lấy bông, ngọn và trái non, gia đình chị Phạm Thị Trâm vươn lên thoát nghèo. Ảnh: D.T.D
Theo chị Trâm, các loại sâu hại trên cây bí đỏ chủ yếu là sâu xanh, sâu đục quả, bọ trĩ, rầy rệp, ruồi vàng… Để phòng ngừa những loại sâu bệnh này, chị dùng ớt, tỏi, sả, vỏ quýt, vỏ trứng gà ngâm lên men rồi phun hằng ngày cho vườn bí. Chị sử dụng phân chuồng ủ hoai mục để bón cho cây bí. Điều này không chỉ giảm được chi phí đầu tư, mà còn bảo đảm an toàn sản xuất, sản phẩm đạt chất lượng cao.
Bí đỏ là loại rau giàu chất dinh dưỡng, ngoài trồng lấy quả, thì việc trồng bí lấy bông và ngọn non làm rau xanh đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, giá cả ổn định, không phải lo chuyện “được mùa mất giá”. Bông bí hiện có giá từ 25.000 - 27.000 đồng/ kg, 30.000 đồng - 32.000 đồng/kg ngọn bí và từ 7.000 - 9.000 đồng/kg trái non. Trung bình một ngày, chị Trâm hái khoảng 25 kg bông, 30 kg ngọn, 50 kg trái non. Với 5 sào bí đỏ, mỗi vụ chị Trâm lãi chừng 35 triệu đồng.
Nhờ trồng bí cho thu nhập khá nên hiện nay gia đình chị Phạm Thị Trâm đã thoát nghèo, con cái có điều kiện học hành, nhà có của ăn của để. Mô hình trồng bí lấy bông, ngọn và trái non của chị được nhiều người đến xem, học hỏi kinh nghiệm và làm theo.
Theo ông Nguyễn Văn Chúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa, gia đình chị Trâm đi tiên phong trong việc trồng cây bí đỏ lấy bông, ngọn và trái non theo hướng hữu cơ tại địa phương. Đây là hướng phát triển sản xuất bền vững, bảo đảm kỹ thuật cao. Mô hình trồng bí của chị Trâm bước đầu được đánh giá khá hiệu quả. Để hỗ trợ nông dân, Hội đang phối hợp với một số đơn vị tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, có giá tốt để phát triển mô hình. Được biết, ngành Nông nghiệp huyện cũng đang nghiên cứu để nhân rộng mô hình này trên địa bàn.
DIỆP THỊ DIỆU