Phát huy hơn nữa giá trị di tích thành Hoàng Ðế
Di tích thành Hoàng Ðế (TX An Nhơn, được xếp hạng cấp quốc gia vào tháng 12.1982) mang nhiều ý nghĩa giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt. Do đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH&TT phối hợp các sở, ngành của tỉnh, UBND TX An Nhơn triển khai việc tôn tạo, phát huy hơn nữa giá trị di tích này.
Từ năm 2004 - 2007, Sở VH&TT đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức các đợt khai quật khảo cổ tại khu vực thành Hoàng Đế. Qua đó, phát hiện nhiều dấu vết công trình kiến trúc thời Tây Sơn bị vùi lấp trong lòng đất, như nền móng cung điện, hậu cung, các thủy hồ, tường bao Tử Cấm Thành, đàn Nam Giao…
Cổng di tích thành Hoàng Đế. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Đến tháng 6.2021, UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu vực lân cận các di tích gốc Thành Hoàng Đế. Quy mô lập quy hoạch trên tổng diện tích rộng 480,5 ha; trong đó, khu vực đất có di tích gốc rộng 85,6 ha, nhằm từng bước bảo quản, trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích gắn với phát triển du lịch.
Theo Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh, UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH&TT trong năm nay phải phối hợp với các sở, ngành liên quan lập các thủ tục theo quy định để đầu tư, xây dựng đền thờ Thái Đức Hoàng Đế - Nguyễn Nhạc, đàn Nam Giao và các hạng mục khác theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất thực hiện quy trình tế lễ theo từng loại hình di tích, công trình văn hóa, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống theo quy định.
UBND tỉnh cũng giao TX An Nhơn phối hợp các sở, ngành của tỉnh quy hoạch các hạng mục khu di tích thành Hoàng Đế nhằm từng bước đầu tư tôn tạo cảnh quan, nâng cấp đường giao thông để tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan.
Ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết: Hiện thị xã đang phối hợp với các sở, ngành, đơn vị của tỉnh triển khai quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực Tử Cấm Thành và đàn Nam Giao; tăng cường công tác bảo vệ chống xâm hại khuôn viên di tích được cắm mốc. Chúng tôi cũng chỉ đạo các ban, ngành thị xã phối hợp với xã Nhơn Hậu, phường Đập Đá rà soát, lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư để di dời toàn bộ các hộ dân đang sống trong khu vực thành Nội của khu di tích thành Hoàng đế; đề xuất phương án di dời các cơ sở, DN sản xuất trong cụm công nghiệp Gò Đá Trắng để tỉnh đầu tư thêm các hạng mục nhằm bảo tồn, phát huy hơn nữa giá trị khu di tích này.
Việc triển khai thực hiện các bước đầu tư, xây dựng, trùng tu, tôn tạo khu di tích thành Hoàng Đế gắn với phục vụ phát triển du lịch phải dựa trên dữ liệu lịch sử, khoa học vững chắc, vừa bảo vệ, giữ gìn tối đa yếu tố gốc của di tích, vừa nâng cao tính bền vững, tồn tại lâu dài của di tích.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Sở VH&TT giao Bảo tàng tỉnh phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành liên quan tiến hành cắm mốc 8 điểm khu di tích thành Hoàng Đế, hiện công tác này đang được triển khai, nỗ lực hoàn thành trong tháng 3.2022 theo chỉ đạo của tỉnh. Chúng tôi cũng đang triển khai tìm hiểu cấu trúc nền móng, kỹ thuật xây dựng các nghi lễ tế… và lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia kiến tạo cơ sở để xây dựng, phục hồi lại di tích đàn Nam Giao.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN