Câu đối Ðào Tấn điếu Phan Ðình Phùng
Tại phòng trưng bày nghệ thuật tuồng Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh có bản sao chụp bút tích của GS Lê Thước (1891 - 1975) - một nhà giáo dục, nhà biên khảo Việt Nam ở đầu thế kỷ XX - chép lại câu đối của Đào Tấn điếu Phan Đình Phùng.
Phan Đình Phùng (1847- 1895) sinh ra trong một gia đình Nho học ở làng Đông Thái, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Châu Phong, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ông đỗ cử nhân năm 1876. Năm sau, đậu đình nguyên tiến sĩ, được bổ làm tri huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình), sau đó được đổi về kinh đô Huế, sung chức Ngự sử đô sát viện.
Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, Phan Đình Phùng đã đứng ra chiêu tập lực lượng chống Pháp. Suốt 10 năm (1885 - 1895), bất chấp mọi khó khăn gian khổ, nghĩa quân Phan Đình Phùng đã gây cho giặc Pháp nhiều tổn thất nặng nề. Trong một cuộc giao tranh ác liệt, Phan Đình Phùng bị thương nặng rồi hy sinh vào ngày 28.12.1895. Đến đầu năm 1896, cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng cùng các cộng sự dày công xây dựng đến đây cũng kết thúc. Tuy vậy, cuộc khởi nghĩa Hương Khê xứng đáng là đỉnh cao của phong trào Cần Vương.
Nghe tin Phan Đình Phùng mất, Đào Tấn khi ấy là Tổng đốc An Tĩnh đã nhân danh Văn thân Nghệ Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh) làm câu đối điếu Phan Đình Nguyên (tức Phan Đình Phùng), mỗi vế dài 80 chữ Hán. Học giả Mịch Quang dịch nội dung câu đối nói trên như sau:
Anh hùng thành bại chớ bàn. Lòng trung ấy, nghĩa lớn ấy, thề chung thủy trọn anh cùng chiến hữu. Anh linh son, mực đạo sách đèn nên phải trọng cương thường. Khá hận bấy: Ngôi nhà nghiêng đổ, một cây chống chẳng được nào! Cung lạnh khói tan, tiếng oán dậy rừng ai chẳng xót! Huống đang lúc rồng bay mây ám, lại thêm tráo trắc việc người! Thương thay La Việt giang sơn, văn hiến trăm năm trơ chiến địa!
Trời đất cổ kim còn mãi, núi ngất cao, sông chảy xiết, vũ trụ này là của đấng trượng phu. Gió tuyết Lam Hồng, ngạo giá rét cũng hao mòn tùng bách. Biết sao đây! Sóng cả dâng trào, cột đá giữa dòng khá vững. Sao dời vật đổi, chạnh tình vườn cũ nghĩ càng đau! Lại gặp cơn gió thốc nhạn lìa, trách bấy lòng trời chẳng giúp! Rõ thật Tùng Mai khí tiết, tinh thần một thác sáng trăng sao!
Một vị Thượng thư của triều đình Huế dưới thời bị giặc Pháp đô hộ, lại dám ngợi ca một người yêu nước, mà triều đình coi là “giặc”, chỉ có Đào Tấn mà thôi!
ÐOAN NGỌC