Vân Canh gìn giữ di sản văn hóa cồng chiêng
Từ nhiều đời nay, cồng chiêng là loại nhạc cụ độc đáo của đồng bào Bana và Chăm H’roi ở huyện Vân Canh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, không gian, môi trường diễn xướng cồng chiêng dần mai một. Trước thực tế này, ngành văn hóa huyện đã triển khai nhiều kế hoạch để gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, không để bị thất truyền.
CLB cồng chiêng xã Canh Liên vừa ra mắt. Ảnh: Đ.H
Ông Lê Thanh Nhơn, Trưởng Phòng VH&TT huyện Vân Canh, cho biết: Cuối năm 2018, Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ 28 làng đồng bào dân tộc Chăm H’roi, Bana và 3 trường học trên địa bàn huyện, mỗi nơi một bộ cồng chiêng. Đây là cơ hội tốt để huyện triển khai các hoạt động phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào. Từ đó đến nay, ngành văn hóa huyện phối hợp với các địa phương thành lập, ra mắt 8 CLB cồng chiêng (5 CLB cồng chiêng của xã: Canh Liên, Canh Hòa, Canh Thuận, Canh Hiệp và thị trấn Vân Canh; 3 CLB ở 3 trường: THCS bán trú Canh Thuận, Phổ thông dân tộc Bán trú Canh Liên (xã Canh Liên) và Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Vân Canh).
Để tiếng cồng chiêng vang xa, lan tỏa rộng khắp núi xa làng gần, nhất là vào các dịp lễ, Tết, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc; hằng năm, huyện Vân Canh chỉ đạo ngành văn hóa địa phương triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ học các kỹ thuật đánh, chỉnh chiêng; tổ chức các cuộc liên hoan dân ca, nhạc cụ dân tộc, hội diễn văn nghệ quần chúng; có chính sách cho những gia đình, những người gìn giữ chiêng, chỉnh chiêng…
Ông Lê Thanh Nhơn cho biết thêm: Những người am hiểu về cồng chiêng hầu hết đã cao tuổi, điều này khiến công tác bảo tồn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, chúng tôi ưu tiên đào tạo thế hệ trẻ kế cận lấy đây làm nòng cốt cho công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng; đồng thời, vận động các gia đình có người hiểu biết kiến thức, kỹ năng đánh cồng chiêng giảng dạy cho con em hoặc các bạn trẻ trong làng. Dù vậy có lẽ phải mất rất nhiều thời gian mới thực hiện được như mong muốn.
“Thanh niên bây giờ thích nhạc hiện đại hơn tiếng cồng chiêng. Mình có dạy nó cũng không chịu học, mình buồn lắm. Là văn hóa cha ông thì phải giữ nguyên vẹn, sau này lúc cưới hỏi, cúng mùa thì lấy ai chơi. Mình và các thành viên CLB cồng chiêng xã Canh Liên sẽ nỗ lực lên kế hoạch để truyền dạy cho lớp trẻ; hun đúc, nuôi dưỡng tình yêu tiếng cồng, tiếng chiêng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, củng cố niềm tin và tạo sự phấn khởi trong nhân dân”, ông Đinh Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Liên chia sẻ quyết tâm này tại buổi lễ ra mắt CLB cồng chiêng của xã mới đây.
AN NHIÊN