Thêm thu nhập nhờ nghề đan tre
Nghề đan tre ở xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ) có từ lâu đời, nhưng rồi, các loại đồ nhựa ra đời với những mẫu mã hấp dẫn, giá cả phải chăng đã làm các sản phẩm đan buộc phải lùi lại. Tuy nhiên, một số vật dụng phục vụ sản xuất cho bà con nông dân như các loại thúng, mủng, giần, sàng, sảo… thì nhựa không thể thay thế được tre đan, hơn nữa một số sản phẩm được mua về không phải để dùng như lâu nay mà chủ yếu là để làm vật dụng trang trí. Vì thế, nghề đan tre vẫn “lách qua khe hẹp” để tiến tới.
Vợ chồng ông Nguyễn Diệt đang hoàn thiện những chiếc rổ xảo, mặt hàng được người chuyên trồng cà phê ở Tây Nguyên rất ưa chuộng, đặt mua nhiều. Ảnh: M.K
Ông Nguyễn Diệt, 67 tuổi, ở thôn Vĩnh Nhơn, xã Mỹ Tài, cho biết: Chừng hai mươi năm về trước, nghề đan tre ở đây khá phát triển. Nhờ vậy mà nhiều gia đình sống được. Đã có lúc, nghề đan tre tưởng chừng mai một, nhưng nhờ trăn trở với nghề, người dân địa phương vừa làm, vừa vận động cùng nhau giữ và truyền lại nghề cho thế hệ sau, cố gắng cải tiến, tạo mẫu mới. Trải qua những “nốt trầm”, giờ đây, nghề đan tre dần được tiếp nối, các sản phẩm thủ công từ tre, nứa dần tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Ông Phan Minh Quang, thôn Vĩnh Nhơn, cho biết: “Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, tôi làm thêm nghề đan tre để có đồng ra, đồng vào. Tháng nhiều thì tôi kiếm được hơn 3 triệu đồng, tháng ít thì khoảng 1,5 - 2 triệu đồng. Tuy thu nhập từ đan tre không cao nhưng nghề này có ưu điểm là có thể linh động về thời gian, không gian làm và không ảnh hưởng tới các công việc khác”.
Xã Mỹ Tài hiện có hơn 100 hộ làm nghề đan tre, riêng thôn Vĩnh Nhơn có hơn 30 hộ làm nghề này. Nếu cần mẫn, mỗi ngày một lao động có thể thu nhập hơn 100 nghìn đồng. Sản phẩm làm ra đến đâu được thương lái mua gom hết đến đó. Thu nhập không cao nhưng ở vị trí nghề phụ thì đan tre vẫn cho thu nhập khá, tương đối ổn định, phù hợp với điều kiện của nhiều gia đình nông thôn hiện nay.
MINH KHOA