Cánh đồng mẫu lớn ở Phù Cát: Muốn thắng lớn phải có sự tương tác cao
6 năm qua, nhờ tích cực triển khai, huyện Phù Cát đã thực hiện được 254 mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 12.900 ha trồng lúa, đậu phụng xen mì, bắp. Kết quả được đánh giá là rất khả quan, góp phần xây dựng nông thôn mới thành công tại nhiều địa phương. Một đúc kết rất quan trọng đã được rút ra: Muốn thắng lớn phải có sự tương tác cao giữa 4 nhà.
254 mô hình/hơn 12.900 ha cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã thu hút hơn 48.000 hộ tham gia sản xuất lúa, đậu phụng xen mì, bắp; đồng thời tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa hoặc 2 vụ lúa - 1 màu, ở cơ cấu này hiệu quả kinh tế cũng khá cao. Nhìn chung, việc thực hiện CĐML và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, bước đầu đáp ứng được nhiều điều kiện cao của thị trường, người tiêu dùng.
100% diện tích lúa ở huyện Phù Cát thu hoạch bằng phương tiện cơ giới. Ảnh: T.H
Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của huyện Phù Cát phát triển ổn định; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt 121 triệu đồng, tăng 14,2 triệu đồng so năm 2015 (tăng 1,8 triệu đồng so năm 2020); nhiều cánh đồng ở các xã: Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Tài, Cát Hải, Cát Hanh… đạt mức thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm.
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, hiệu quả của mô hình CĐML còn ở chỗ giúp nông dân quen dần với cách làm mới như: Giảm lượng giống, giảm lượng phân đạm, giảm số lần phun thuốc trừ sâu... Trong khi đó, năng suất cây trồng vẫn tăng và hiệu quả cao hơn, từ 7- 15 triệu đồng/ha. Hơn nữa, nhờ áp dụng nguyên tắc “3 cùng” (cùng loại giống, cùng cánh đồng, cùng thời gian), việc điều tiết nước và chăm sóc thuận lợi hơn nhiều so với trước; lúa chín tập trung nên thu hoạch bằng cơ giới hóa nhanh gọn, giảm chi phí thu hoạch rất nhiều.
Hiệu quả rõ rệt nhất của mô hình này là giúp nông dân tiếp cận và áp dụng được tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển từ thói quen canh tác theo kiểu truyền thống sang sản xuất theo quy trình khoa học, tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Bà Nguyễn Thị Nhung, ở thôn Hưng Mỹ 2, xã Cát Hưng tham gia sản xuất theo mô hình CĐML với diện tích 2 sào, kể: Tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật thâm canh kiểu mới. Họ cũng thường xuyên ra đồng nên mình mau thạo việc lắm. Sản xuất CĐML dễ làm mà tiết kiệm được nhiều chi phí - từ giống, phân đến thuốc bảo vệ thực vật, số ngày công và cả công thu hoạch cũng giảm rất nhiều.
Mục tiêu lâu dài của CĐML là từng bước hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung, với sản lượng lớn và gắn kết 4 nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà nông - Nhà doanh nghiệp, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và chế biến sau thu hoạch.
Để thực hiện CĐML đạt hiệu quả cao, đi vào chiều sâu và mang tính bền vững, ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện phân tích: Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến nông sản; kết hợp với các HTX nông nghiệp tham gia và hỗ trợ nông dân tham gia các mô hình. Cùng với đó sẽ tăng mức hỗ trợ kinh phí và chọn vùng quy hoạch hình thành thêm nhiều CĐML; đặc biệt là cánh đồng lớn gắn với liên kết chuỗi và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân một cách hợp lý với diện tích lớn tập trung; nhằm tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Khi cả 4 nhà tăng cường tương tác, thấu hiểu và hướng tới lợi ích chung thì mức độ thành công sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Để thực hiện được những mục tiêu này, điểm quan trọng ở khâu đột phá là phải có DN đủ mạnh để có thể ký kết hợp đồng ràng buộc trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đồng thời qua đó hỗ trợ nông dân tiếp cận tiến bộ KHKT, công nghệ mới trong canh tác, chế biến. Chúng tôi sẽ nỗ lực hỗ trợ bà con nông dân tạo ra sự đột phá vì lợi ích to lớn của cộng đồng.
THẾ HÀ