Cả nhà thương nhau
Covid-19 khiến nhiều gia đình phải đối diện với khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Ðể “vượt ải”, các thành viên cần thấu hiểu, cảm thông cho nhau.
Ai cũng khó, cũng khổ
Trước dịch Covid-19, ai cũng ít nhiều đối mặt với căng thẳng, áp lực. Chỉ khác ở chỗ, ở mỗi độ tuổi, vai trò khác nhau thì sự khó khăn, trăn trở ấy cũng không giống nhau. Vốn là giáo viên dạy tiếng Anh, Covid-19 ập đến, vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh Trâm và anh Nguyễn Thái Huy (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) phải làm việc trực tuyến. Khâu chuẩn bị giáo án, bài vở vì thế cần có sự thay đổi. Tâm trạng lo lắng, căng thẳng khi phải thích nghi với cách làm mới, cùng nỗi lo về thu nhập giảm là điều không tránh khỏi.
Gia đình anh Huy, chị Trâm cùng học, cùng chơi, trở thành “người bạn lớn” với con. Ảnh: D.L
“Trong giai đoạn dịch căng thẳng, tôi cố gắng duy trì trạng thái tốt nhất để làm việc hiệu quả, đồng thời không để cuộc sống quá biến động. Nhưng có những lúc, áp lực từ nhiều phía khiến tôi trăn trở nhiều điều, không khí gia đình cũng vì thế mà nặng nề hơn”, chị Trâm chia sẻ.
Không chỉ các phụ huynh chịu áp lực, con cái cũng đối mặt với những khó khăn nhất định. Các em phải liên tục thích nghi với việc thay đổi trong học trực tuyến, trực tiếp, vừa phải tự chú ý đến an toàn của bản thân. Em Trương Ngọc Thịnh (SN 2005, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) chia sẻ: “Mùa dịch khiến việc học của chúng em gặp nhiều khó khăn. Dù đã nỗ lực tự học, tự nghiên cứu nhưng nỗi lo về độ sâu kiến thức, nhất là với những học sinh chuẩn bị bước sang năm cuối cấp như em, vẫn luôn xuất hiện. Tuy nhiên, vì sợ cha mẹ thêm lo nên em và nhiều bạn lựa chọn việc hỗ trợ, động viên nhau cùng vượt qua”.
Gia đình là số 1
Gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất khi các thành viên gặp khó khăn. Điều này đặc biệt đúng trong hoàn cảnh dịch Covid-19 phức tạp. Càng khó khăn, người ta càng nhận ra sự trân quý, thiêng liêng của 2 tiếng “gia đình”.
Để con có cuộc sống tốt đẹp hơn, bù đắp lại những thiệt thòi, mất mát Covid-19 đã gây ra, anh Võ Minh Học (ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) đã lân la dò hỏi, tìm việc mới. Anh bị di chứng hậu Covid-19, sức khỏe không còn được như trước. Nhưng điều đó không ngăn được khao khát muốn cô con gái nhỏ của mình có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc nhất có thể. Anh chia sẻ: “Con gái không phải gánh nặng mà chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất để mình nỗ lực từng ngày”.
Ngược lại, khi con cái gặp khó khăn, cha mẹ chính là chỗ dựa. Ngay khi trở thành F0, Thịnh nhận ra gia đình yêu thương em theo cách gần gũi, tràn đầy sự ấm áp. Em bày tỏ: “Bố mẹ luôn động viên tinh thần để em không tự trách bản thân, đồng thời chủ động trò chuyện vì lo em bị dồn nén khi chịu áp lực học hành lẫn sức khỏe. Khi đó, em có cảm giác mình được lắng nghe và thấu hiểu, dần dần cởi mở hơn với gia đình”.
Ở góc độ khách quan, Covid-19 là cơ hội để các thành viên thêm gắn bó, tạo nên kỷ niệm đẹp bên nhau. Nhờ làm việc tại nhà mà anh Huy, chị Trâm có thể dành nhiều thời gian cùng cậu con trai 3 tuổi trò chuyện, nấu ăn, dạy con tưới cây, học tiếng Anh; thay vì để con tự chơi với thiết bị điện tử. Anh Huy chia sẻ: “Mỗi thành viên đỡ đần cho nhau, cả mái ấm sẽ rộn ràng tiếng cười. Do đó, tôi luôn chủ động chia sẻ việc nhà với vợ. Ngoài ra, trong thời gian khó khăn này, chúng tôi học được cách cân bằng cuộc sống, trở thành “người bạn lớn” của con, cùng con học thêm nhiều điều ý nghĩa”.
Không chỉ gia đình anh Huy, chị Trâm mà còn nhiều gia đình khác lựa chọn góc nhìn tích cực cho vấn đề này. Thay vì tổ chức sinh nhật hay kỷ niệm các dịp đáng nhớ ở các hàng quán bên ngoài, gia đình anh Nguyễn Trung Tín (ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) đã chủ động cùng nhau nấu nướng, tổ chức tiệc nhỏ, ấm cúng tại gia. Nhờ đó, các thành viên thêm hiểu nhau hơn, ý thức chia sẻ khó khăn cho nhau cũng được nâng cao hơn trước.
DƯƠNG LINH