Yêu cầu kiểm điểm tổ chức, cá nhân chậm mua vắc-xin cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có văn bản yêu cầu Bộ Y tế kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân để chậm trễ trong việc mua vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh Trường THPT chuyên Thăng Long, TP Đà Lạt, Lâm Đồng. (Ảnh AN NHIÊN)
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5.2.2022 của Chính phủ về việc mua vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân để chậm trễ theo đúng quy định.
Trước đó, tại Nghị quyết số 14/NQ-CP, Chính phủ quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức mua, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.
Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhằm bảo vệ sức khỏe của trẻ em và tiếp tục thực hiện hiệu quả việc mở cửa lại trường học an toàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc điện đàm với bà Aurelia Nguyen, Giám đốc điều hành Chương trình COVAX và ông Albert Bourla, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Pfizer đề nghị quan tâm thúc đẩy càng sớm càng tốt việc cung ứng 22 triệu liều vắc-xin dành cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Việt Nam và tư vấn, hỗ trợ về tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Ngày 10.3, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 160.676 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 160.661 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố, trong đó có 107.465 ca trong cộng đồng. Sở Y tế Thanh Hóa đăng ký bổ sung 30.000 ca, Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 21.182 ca và Sở Y tế Bình Định đăng ký bổ sung 6.601 ca mắc Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Trong danh sách các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao so với ngày trước đó đã có những tỉnh, thành phố phía nam như: Bình Dương (tăng 1.309 ca), TP Hồ Chí Minh (tăng 1.205 ca)... Trong ngày, ngoài 53.151 người nhiễm Covid-19 được công bố khỏi bệnh thì cũng có 71 trường hợp tử vong. Đến nay, Việt Nam có 5.260.495 ca nhiễm Covid-19, trong đó đã có 2.908.365 người được điều trị khỏi và có 41.157 trường hợp tử vong (chiếm 0,8% tổng số ca nhiễm).
Do số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng, cho nên số xã, phường thuộc “vùng xanh” đã giảm từ hơn 62,2% xuống 44,4% và số xã, phường thuộc “vùng vàng”, “vùng cam” và “vùng đỏ” tăng từ 37,8% lên 55,6% so với hai tuần trước. Cập nhật đánh giá cấp độ dịch Covid-19 tại địa phương theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ trên Cổng thông tin Bộ Y tế đến ngày 9.3 cho thấy cả nước hiện có 4.707 xã, phường thuộc “vùng xanh”, chiếm 44,4% trong tổng số xã, phường đánh giá; 2.645 xã, phường thuộc “vùng vàng”, chiếm 24,9%; số xã, phường thuộc “vùng cam” là 2.864, chiếm khoảng 27%; số xã, phường thuộc “vùng đỏ” là 369, chiếm khoảng 3,5%.
TP Hồ Chí Minh hiện đang quản lý hơn 93.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó trên 90% tổng số ca mắc mới được điều trị tại nhà. Để giảm thủ tục hành chính trong việc cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly đối với những người nhiễm Covid-19, Sở Y tế thành phố sẽ triển khai thêm tính năng cấp giấy hoàn thành cách ly trên hệ thống quản lý bệnh nhân Covid-19.
Theo đó, người dân có thể chủ động khai báo thông tin tại đường link https://tracuuf0.medinet.org.vn/khaibao.htm nếu có kết quả test nhanh mắc Covid-19. Trong thời gian cách ly điều trị tại nhà, trạm y tế quản lý và chăm sóc, theo dõi trên hệ thống theo quy định. Khi đã hoàn thành cách ly tại nhà/nơi lưu trú, trạm y tế sẽ cấp giấy xác nhận bản giấy hoặc gửi bản điện tử qua email mà người dân đã khai báo. Trước mắt, thành phố sẽ chọn một số quận, huyện để thí điểm, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai đại trà.
Theo NDĐT