Thiếu giáo viên, thiết bị dạy học triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
(BĐ) - Nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được các tỉnh, thành phố kiến nghị, đề xuất đến Bộ GD&ĐT tại hội nghị trực tuyến toàn quốc, diễn ra ngày 11.3.
Hội nghị do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì. Tại điểm cầu trực tuyến Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chủ trì hội nghị (ảnh).
Thảo luận tại hội nghị, nhiều tỉnh, thành phố cho biết nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các khối lớp 3, 7, 10 trong năm học 2022 - 2023, xoay quanh 5 nhóm vấn đề chính.
Trong đó, đáng chú ý, mạng lưới trường, lớp có quy mô, số lượng lớp vượt quá quy định. Tình trạng thiếu giáo viên Tin học, tiếng Anh (cấp tiểu học, THCS), môn Nghệ thuật (cấp THPT) so với định mức quy định. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đồng bộ theo chương trình mới. Đối với việc lựa chọn sách giáo khoa mới, chưa thực hiện bố trí kinh phí, chế độ; không có giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật tham gia chọn sách, trong khi môn tiếng Anh có quá nhiều đầu sách dẫn đến khó khăn trong giới thiệu, nghiên cứu và lựa chọn; danh mục sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 chưa được công bố đầy đủ, ảnh hưởng đến tiến độ lựa chọn sách giáo khoa ở địa phương. Việc biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương gặp nhiều khó khăn…
Các tỉnh, thành phố kiến nghị nhiều giải pháp, đề xuất, kiến nghị về Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, tham mưu UBND tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học theo hướng đạt chuẩn quốc gia; đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là dạy nghề; tích cực, chủ động bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu chuẩn trình độ đào tạo...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu được triển khai thực hiện từ năm học 2020 - 2021 đối với học sinh lớp 1 và tiếp tục được thực hiện trong năm học 2021 - 2022 đối với học sinh lớp 2, lớp 6. Việc thực hiện các mục tiêu đổi mới giáo dục theo chương trình được tiến hành sâu, rộng, tạo sự chuyển đổi toàn diện từ triết lý giáo dục cho tới định hướng và cách tiếp cận; nhiều vấn đề chưa có trong tiền lệ, nhất là thực hiện xã hội hóa giáo dục, lựa chọn sách giáo khoa.
Để thực hiện tốt các mục tiêu, đúng lộ trình của chương trình, các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở GD&ĐT tham mưu cụ thể kế hoạch dài hơi đến năm 2024. Trong đó, việc lựa chọn sách giáo khoa, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương bảo đảm đạt được ý nghĩa của việc chọn một bộ sách và dùng nhiều bộ sách để tham khảo.
Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ làm việc với các bộ, ngành có thẩm quyền để sớm bổ sung chỉ tiêu biên chế, rà soát các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời chỉ đạo các trường sư phạm tăng cường đào tạo giáo viên các môn học đặc thù. “Vì vậy, trước mắt, các địa phương cần vận dụng tối đa, linh hoạt các biện pháp giải quyết bài toán thiếu giáo viên cho các trường phổ thông, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy học. Về đầu tư cơ sở vật chất cho dạy Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, yêu cầu các vụ, cục của Bộ GD&ĐT tích cực phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung định giá mua sắm các trang thiết bị dạy học theo danh mục”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
THU HIỀN