Đổi mới công tác tuyên truyền phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
(BĐ) - Chiều 11.3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) năm 2022.
Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động triển khai phong trào “TDĐKXDĐSVH” trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng. Tuy nhiên, cấp ủy và chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt với những bước đi vững chắc, cách làm sáng tạo phù hợp. Chú trọng phát triển phong trào ở những nơi có điều kiện khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Gắn thực hiện phong trào và các cuộc vận động thi đua yêu nước khác. Đến năm 2021, toàn tỉnh có 381.256/407.841 hộ được công nhận gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ hơn 93%); 1.060/1.116 khu dân cư được công nhận danh hiệu “làng văn hóa, thôn văn hóa, khu phố văn hóa” (đạt tỷ lệ gần 95%); có 84/126 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới…
Quang cảnh hội nghị
Những kết quả đạt được góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, kinh tế từng bước được ổn định và có bước phát triển. Nhiều địa phương đã gắn kết với việc thực hiện phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giải quyết việc làm, xây dựng nhiều mô hình làm ăn, sản xuất, nuôi trồng có hiệu quả. Đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ nhà kiên cố được tăng dần. Đường giao thông được bê tông hóa, an ninh quốc phòng được giữ vững, góp phần thực hiện đạt 19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu trong năm 2022, cần tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền phong trào “TDĐKXDĐSVH”; gắn kết và phát huy vai trò của phong trào với phát triển văn hóa nông thôn; xây dựng nông thôn mới; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, KT-XH và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.Huy động các nguồn lực, kêu gọi xã hội hóa và khuyến khích các cá nhân, tổ chức, các DN tích cực đóng góp và tham gia phong trào...
Tại cuộc họp, thành viên Ban chỉ đạo phong trào “TDĐKXDĐSVH” tỉnh cũng thảo luận các chương trình thực hiện phong trào giai đoạn 2021 - 2026. Theo đó, Bình Định phấn đấu 80% người dân được nâng cao mức hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; 100% cấp huyện có trung tâm VH-TT&TT; 100% cấp xã có nhà văn hóa - khu thể thao thôn, điểm sinh hoạt, vui chơi dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; 50% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 80% thôn, làng, khu phố giữ vững danh hiệu văn hóa, tiêu biểu; 80% cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa; 100% thư viện, bảo tàng cấp tỉnh thực hiện số hóa tư liệu, hiện vật; 85% gia đình giữ vững danh hiệu “gia đình văn hóa, tiêu biểu, hạnh phúc”…
TRỌNG LỢI