Ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị Quy Nhơn
UBND TP Quy Nhơn đang từng bước triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo vỉa hè, hạ ngầm hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại nhiều tuyến đường trục chính và các dự án khu dân cư, đô thị mới nhằm tạo dựng bộ mặt đô thị khang trang.
Kết quả bước đầu
Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết: Năm 2019, UBND tỉnh ban hành kế hoạch ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật (lưới điện, đường dây chiếu sáng, cáp viễn thông, truyền hình) tại các đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó có quy định, đến năm 2020, các khu dân cư, đô thị mới nội thành Quy Nhơn phải hạ ngầm hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đi trong hào kỹ thuật hoặc tuy nen kỹ thuật. Các khu dân cư hiện hữu thuộc nội thành thí điểm hạ ngầm hệ thống đường dây điện, cáp viễn thông tại các trục đường cảnh quan, gồm: An Dương Vương, Xuân Diệu, Nguyễn Tất Thành. Tuy nhiên, khó khăn về nguồn vốn, đến nay, chính quyền mới chỉ đầu tư khoảng 50 tỷ đồng ngầm hóa được hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở trục đường An Dương Vương (dài 1,7 km).
Đường An Dương Vương phong quang sau khi ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Ảnh: AN
Kế hoạch này cũng đặt ra yêu cầu từ năm 2021 - 2025, các khu dân cư mới ở TP Quy Nhơn phải hạ ngầm đồng bộ hệ thống đường dây điện, cáp viễn thông; đi trong hào kỹ thuật hoặc tuy nen kỹ thuật ngay từ đầu. Với các dự án giao thông mới, công trình chỉnh trang đô thị cũng bắt buộc xây dựng hệ thống hạ tầng chờ sẵn (tuy nen, hào kỹ thuật, cống bể cáp) để bố trí đường dây, đường cáp. Các công trình được triển khai trong giai đoạn sau năm 2021, chủ đầu tư dự án đều phải hạ ngầm đường dây điện, cáp viễn thông hoặc đi trong hào kỹ thuật, tuy nen kỹ thuật, đảm bảo theo quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị thành phố. Một số dự án đã hoàn thành đảm bảo quy định này có thể kể đến: Khu dân cư KV 6, phường Nhơn Bình; khu tái định cư Khu Đô thị - Thương mại Bắc sông Hà Thanh; khu đô thị mới An Phú Thịnh; dự án mở rộng đường Xuân Diệu, Nguyễn Tất Thành hoặc công viên Xuân Diệu...
Cần được quan tâm nhiều hơn
Thời gian đến, TP Quy Nhơn sẽ đồng hành cùng DN (điện lực, các nhà viễn thông…) để tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm nguồn vốn thực hiện ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật, nhất là ở các tuyến đường chính như: Trần Phú, Nguyễn Huệ, Nguyễn Thị Định, Trần Hưng Đạo. “Để thực hiện mục tiêu đó, chính quyền thành phố, DN và các đơn vị liên quan phải phối hợp triển khai đồng bộ, trên cơ sở nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi”. Thay vì, chúng ta cứ mãi trông đợi vào vốn ngân sách”, ông Ngô Hoàng Nam chia sẻ.
Ông Phạm Quốc Trung, Quyền Giám đốc VNPT Bình Định, bộc bạch: Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với chính quyền thực hiện kế hoạch ngầm hóa cáp viễn thông theo chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên, do những khó khăn về vốn, nên chưa triển khai được nhiều. Chúng tôi đã đề xuất tỉnh, thành phố cần có kế hoạch chọn nhà thầu xây dựng hệ thống ngầm dùng chung cho các DN thuê theo nhu cầu hoặc xã hội hóa việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật để các DN có nhu cầu thuê dùng…
Ngầm hóa lưới điện không chỉ giúp giảm sự cố, giảm mất điện mà còn nâng cao độ an toàn tin cậy cung cấp điện, tạo diện mạo mới khang trang, sạch đẹp cho phố phường. Tuy nhiên, để kế hoạch ngầm hóa lưới điện, hệ thống điện chiếu sáng ở TP Quy Nhơn diễn ra đúng tiến độ, thì cần có sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND thành phố trong chỉ đạo để cùng nhau tìm biện pháp tháo gỡ vướng mắc. Tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ, đồng hành khi DN triển khai, nhất là các dự án có nguồn vốn đầu tư lớn.
Về vấn đề này, ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng, khẳng định: “Bên cạnh vốn ngân sách, kế hoạch ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần huy động nhiều nguồn vốn khác, trong đó có vốn DN, vốn xã hội hóa của các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, để mời DN vào đầu tư thì phải có cơ chế hỗ trợ, bảo đảm để DN thu hồi vốn. Sở sẽ báo cáo, tham mưu UBND tỉnh về tiến độ thực hiện kế hoạch, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn (trong đó, có chính sách hỗ trợ DN) để tỉnh xem xét, chỉ đạo trong thời gian đến”.
Ngoài tham gia dự án: “Ngầm hóa hệ thống lưới điện và cáp thông tin dọc tuyến đường An Dương Vương”, do UBND TP Quy Nhơn làm chủ đầu tư vào năm 2020, đến nay, Viettel Bình Định, VNPT Bình Định đã ngầm hóa được một số hạng mục. Theo đó, Viettel Bình Định đã thi công xong tuyến cáp ngầm (đoạn từ ngã 3 Phú Tài - QL 1D vào trung tâm TP Quy Nhơn) dài 12 km và tuyến đường Nguyễn Thị Định về Tổng trạm Đinh Công Tráng, sẵn sàng hạ ngầm cáp treo trong thời gian đến.
VNPT Bình Định đã xây dựng 45 km cống cáp ngầm dọc các tuyến đường chính của TP Quy Nhơn; trong đó, các loại cáp viễn thông dung lượng lớn đều được kéo ngầm. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị còn phối hợp với các đơn vị viễn thông, điện lực thực hiện chỉnh trang, treo cột điện khoảng 98 km dây cáp nhỏ, dây thuê bao vào khách hàng; thu hồi cáp đồng (chủ yếu là cáp treo, cáp ngầm) trên mạng lưới để tối ưu mạng cáp, giảm tải cáp trên các cột treo cáp, cột điện lực.
TRỌNG LỢI