Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học đầm Thị Nại
Đầm Thị Nại là vùng đất ngập nước có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài thủy sinh, chim nước có tính điển hình và đại diện. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, đa dạng sinh học của đầm Thị Nại trong những năm gần đây suy giảm đáng kể.
Theo kết quả điều tra của Sở TN&MT, so với hơn 10 năm trước, các nguồn lợi thủy sản tại đầm Thị Nại bị suy giảm cả về trữ lượng, số loài. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nghề khai thác truyền thống của người dân. Trong đó, có nhiều mối đe dọa đa dạng sinh học (ĐDSH), đồng thời ảnh hưởng đến đời sống người dân ở v en đầm.
Nhiều tác động tiêu cực
Trong quá trình đô thị hóa, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy hải sản làm mất đi nhiều diện tích rừng ngập mặn và bãi triều, bãi giống thân mềm, dẫn đến chất lượng thủy hải sản giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân nuôi tôm, nghêu, cá, ghẹ, cua. Hiện các hộ phải tự trồng cây quanh bờ ao của mình để phục hồi lại môi trường bán tự nhiên. Bên cạnh đó, việc xả thải vẫn diễn ra ở các cụm dân cư sống ven đầm, chủ yếu là nước và rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải nhựa, vật liệu khó phân hủy. Hệ lụy không chỉ làm mất mỹ quan, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái đất ngập nước, làm suy giảm đa dạng loài và trực tiếp làm ô nhiễm khu vực sinh hoạt của cư dân quanh và trong đầm. Rác thải khó phân hủy gây ảnh hưởng rất lớn và lâu dài cho hệ sinh thái, suy giảm môi trường sống của các loài động, thực vật tại chỗ.
Đầm Thị Nại là lá phổi xanh, vùng sinh thái hấp dẫn với du khách cần được bảo vệ. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Công tác quy hoạch KT-XH, phát triển các dự án hạ tầng khu vực quanh đầm chưa đạt hiệu quả, nhiều hộ dân ở các khu tái định cư không có việc làm phù hợp phải quay về nghề biển. Tuy nhiên, nguyên nhân làm mất mát và suy giảm ĐDSH nói chung, các nguồn lợi hải sản nói riêng ở đầm Thị Nại chủ yếu đến từ khai thác bất hợp pháp, khai thác mang tính hủy diệt. Các ngư cụ còn được sử dụng phổ biến bao gồm lưới bát quái, lưới lồng, xung điện xiết máy, máy bơm hút nhuyễn thể, xung hoặc kích điện cầm tay.
"Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh Bình Định và huyện Tuy Phước cần có kế hoạch giữ vững môi trường sống tốt về tự nhiên và xã hội cho người dân. Trong đó, cần có trách nhiệm bảo vệ đầm Thị Nại, bởi đây là lá phổi xanh, là vùng sinh thái rất hấp dẫn du khách khi đến TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước”.
Ông Nguyễn Kim Ngôn, Trưởng Phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT), cho biết: Hiện nay đầm Thị Nại có khoảng 65 - 100 hộ thường xuyên sử dụng các phương tiện cấm khai thác, đánh bắt thủy sản, tập trung chủ yếu ở xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước). Những người này hoạt động chủ yếu vào ban đêm, trong các luồng lạch, có bố trí người theo dõi lực lượng chức năng. Thời gian tới, chúng tôi củng cố tổ chức, đồng thời quản lý theo Luật Thủy sản năm 2017; phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tổ chức các đợt cao điểm phối hợp với cơ quan chức năng huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn xử lý nghiêm những hành vi khai thác thủy sản bằng các phương tiện cấm.
Cần sự chung tay!
Trước năm 1975, khu vực đầm Thị Nại có khoảng 1.000 ha rừng ngập mặn, là sinh cảnh thuận lợi cho nhiều loài chim trú ngụ. Nhiều năm qua, nghề nuôi tôm phát triển, rừng ngập mặn bị tàn phá, hiện chỉ còn rải rác. Diện tích rừng ngập mặn suy giảm nhanh, mạnh giai đoạn những năm 2000 - 2005 cũng là nguyên nhân gây mất mát ĐDSH. Sau đó, rừng ngập mặn được phục hồi dần dần, nhưng chưa thực sự kết nối, tạo môi trường thuận lợi cho các loài phát triển trở lại. Bên cạnh đó, chi phí bảo vệ rừng còn thấp nên chưa mang lại hiệu quả cao trong duy trì rừng ngập mặn ở khu vực trung tâm, người dân vẫn khai hoang, cải tạo bất hợp pháp rừng ngập mặn làm đầm nuôi tôm. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu cũng gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái của đầm.
Khoảng 20 năm trở lại đây, với sự tham gia của nhiều đơn vị, một số dự án bảo vệ ĐDSH ở đầm Thị Nại đã được triển khai, đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn nữa, cần có sự chung tay của nhiều cấp ngành, đặc biệt là người dân sinh sống ven đầm. Nhận thấy tầm quan trọng của đầm Thị Nại, trong chuyến thăm, làm việc tại Bình Định giữa tháng 2 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh Bình Định và huyện Tuy Phước cần có kế hoạch giữ vững môi trường sống tốt về tự nhiên và xã hội cho người dân. Trong đó, cần có trách nhiệm bảo vệ đầm Thị Nại, bởi đây là lá phổi xanh, là vùng sinh thái rất hấp dẫn du khách khi đến TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước. Đầm Thị Nại còn là nơi thu hút tập trung ĐDSH, đem lại nguồn lợi thủy sản lớn; góp phần giảm ảnh hưởng tác động của bão lụt, cải thiện cảnh quan môi trường…
TS Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT), cho biết: “Chúng tôi đang cùng các đơn vị liên quan thực hiện việc “Lập dự án thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại”, làm cơ sở để Bộ TN&MT công nhận đầm Thị Nại là khu vực đất ngập nước quan trọng cấp quốc gia. Bên cạnh đó, UBND tỉnh xem xét, thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại, góp phần vừa bảo tồn đa dạng sinh học vừa phát huy các giá trị đặc trưng vốn có của Đầm”.
Theo số liệu điều tra thống kê năm 2020 của Sở TN&MT qua dự án “Điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loài động vật, thực vật đặc hữu, có giá trị khoa học, kinh tế hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng tại đầm Thị Nại, đầm Trà Ổ”, diện tích mặt nước tự nhiên đầm Thị Nại giảm còn 3.773 ha. Ghi nhận tại đầm Thị Nại có 141 loài thực vật, 11 loài chim, 7 loài thú, 5 loài bò sát, 101 loài cá và 187 loài động vật không xương sống. Về các loài có giá trị kinh tế, đã xác định ở đầm Thị Nại có 211 loài. Căn cứ theo Sách đỏ Việt Nam năm 2007, đầm Thị Nại có 1 loài nguy cấp, 10 loài sẽ nguy cấp và 1 loài ít bị đe dọa. Đáng chú ý, chình mun, chình hoa đã không còn ghi nhận ở đầm Thị Nại.
HOÀNG QUÂN