CÁC CÔNG TRÌNH Ở VÙNG BÃI NGANG HUYỆN PHÙ CÁT:
Người dân được hưởng nhiều lợi ích
Từ nguồn vốn hỗ trợ vùng bãi ngang ven biển, các xã Cát Chánh, Cát Hải, Cát Khánh, Cát Thành, Cát Minh (huyện Phù Cát) tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình như: Trường học, trạm y tế, chợ, đường giao thông, kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa... Những công trình này góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, hỗ trợ phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân địa phương.
“Thay da đổi thịt”
Trước kia, Cát Hải là xã gặp nhiều cách trở nhất của huyện Phù Cát trong giao thông, đi lại. Người dân nơi đây muốn ra khỏi địa phương phải vượt nhiều đèo, dốc cao rất khó khăn, hiểm trở; nhất là việc vận chuyển các loại nông sản, hàng hóa đi tiêu thụ.
Hệ thống đường giao thông nông thôn tại xã Cát Chánh được đầu tư kiên cố, giúp người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: C.L
Hiện nay, diện mạo xã Cát Hải có nhiều đổi thay, nhất là hệ thống đường giao thông. Ngoài các tuyến đường tỉnh lộ và liên huyện do tỉnh, huyện đầu tư xây dựng, xã Cát Hải tận dụng nguồn vốn của cấp trên hỗ trợ cho vùng bãi ngang để cứng hóa, bê tông xi măng gần 100% đường liên xã, thôn, xóm. Bên cạnh đó, địa phương còn đầu tư xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội khác.
Trong giai đoạn 2018 - 2020, xã Cát Hải được cấp trên hỗ trợ hơn 4,68 tỷ đồng đầu tư mở rộng, bê tông xi măng nhiều tuyến giao thông nông thôn. Ngoài ra, địa phương đầu tư xây dựng điểm trường Tân Thanh (Trường Mẫu giáo Cát Hải); điểm trường Tân Thắng (Trường Tiểu học Cát Hải); xây dựng mới khu thể thao và nhà văn hóa xã…
Ông Nguyễn Hùng (ở thôn Tân Thanh, xã Cát Hải), chia sẻ: “Hơn 10 năm về trước, chỉ có tuyến đường ven biển chạy qua xã là khang trang, kiên cố. Còn lại đường liên thôn, xóm đều là đường đất nên mùa mưa bị lầy lội, đi lại khó khăn. Nhưng nay đã khác, đường xá trong xã hầu hết đã được bê tông xi măng phẳng lì, xe bon bon chạy dù mưa hay nắng”.
Cát Chánh cũng là địa phương được hưởng lợi rất nhiều từ nguồn vốn hỗ trợ xã bãi ngang, góp phần thay đổi diện mạo vùng “rốn” lũ. Từ năm 2012 đến nay, ngân sách của Trung ương, tỉnh, huyện hỗ trợ cho xã gần 71,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, sản xuất.
Ông Hồ Văn Chiến (thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh), phấn khởi nói: “Các công trình giao thông, kênh mương thủy lợi, kiên cố đê sông không chỉ giúp người dân thuận lợi trong đi lại, sản xuất; mà còn giúp ích rất nhiều trong phòng chống thiên tai, lũ lụt”.
Phát huy giá trị từng công trình
Ông Đinh Hữu - Chủ tịch UBND xã Cát Chánh, cho biết: Từ nguồn hỗ trợ của cấp trên, xã đã đầu tư xây dựng nhiều công trình như trường mẫu giáo, tiểu học, THCS; cứng hóa, bê tông xi măng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn; xây dựng chợ trung tâm xã Cát Chánh, trạm y tế xã.
Ngoài ra, kiên cố bê tông mặt đê và gia cố đá lát mái đê 4 km đê sông Đại An; xây dựng đập dâng Văn Mối ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ nước tưới khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp… Những công trình này đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh, cũng như các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Còn theo ông Lê Văn Diêu - Chủ tịch UBND xã Cát Hải, hệ thống đường giao thông và các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, kênh mương thủy lợi, trạm y tế xã, nhà văn hóa thôn, xã… đã thay đổi đáng kể diện mạo của xã. Đặc biệt, đường giao thông không chỉ kết nối các thôn trong xã, mà còn liên kết với các địa phương lân cận; giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản được thuận lợi. Đây là tiền đề giúp kinh tế địa phương phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.
Tương tự, những năm qua, các xã Cát Minh, Cát Khánh, Cát Thành cũng sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ bãi ngang để đầu tư xây dựng nhiều công trình đường giao thông, cầu bê tông, chợ, kiên cố đê kè, bê tông kênh mương nội đồng… Người dân là chủ thể hưởng lợi nhiều nhất từ các công trình này; từ đó, giúp họ thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn vay vốn, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Song hành với đời sống nhân dân được nâng cao thì bộ mặt nông thôn cũng thay đổi rất tích cực.
CÔNG LUẬN - LÊ MINH