Xuân Hòa và dự án kết nối 3 miền đất nước
Khởi nghiệp thành công từ rượu vang nếp, Trương Thị Xuân Hòa (SN 1988, quê ở TX An Nhơn) đang ấp ủ một dự án táo bạo là kết nối 3 miền đất nước bằng 12 loại rượu được làm từ các nông sản nổi tiếng của từng địa phương.
Rượu vang làm từ... nếp
Sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, chị Trương Thị Xuân Hòa (Công ty TNHH Thực phẩm Trương Gia - Belifoods) trở thành người đầu tiên ở Bình Định và ở Việt Nam sử dụng nguyên liệu hạt gạo nếp chế biến thành sản phẩm rượu vang nồng đượm, tinh khiết mang tên “Rượu vang nếp Belifoods”.
* Rượu vang thường được làm từ nho, vì sao chị lại nghĩ đến việc sản xuất rượu vang từ nếp?
- Đúng vậy, hầu hết các loại rượu vang đều được chế biến từ trái nho thông qua quy trình lên men, ép, lọc, ủ. Nguyên lý sản xuất rượu vang nếp cũng tương tự vậy. Gia đình tôi vốn có nghề nấu rượu nếp đã nhiều năm nên có thể coi đó như một lợi thế khi nghiên cứu, tạo ra một sản phẩm mới. Tôi muốn tạo ra một thương hiệu Việt từ việc phát triển sản phẩm truyền thống.
* Vậy quy trình sản xuất rượu vang nếp có gì khác biệt so với rượu nếp truyền thống không?
- Khác nhiều lắm chứ. Quy trình nấu rượu nếp truyền thống tương đối đơn giản. Sau khi lên men cơm rượu, ủ là thành rượu nếp và có thể đem bán ngay. Với rượu vang nếp, tôi sử dụng loại men thảo dược được chế biến theo kỹ thuật riêng để ủ. Cơm rượu sau khi ủ được lọc theo phương pháp nhỏ giọt. Điểm khác biệt ở công đoạn lọc này là rượu để tự nhỏ giọt cho đến ráo, quá trình lọc không chạm tay vào hay vắt, ép chi hết vì làm vậy sẽ khiến tinh bột lẫn vào rượu, khiến rượu bị đục, biến vị, dễ chua nhanh.
Rượu sau khi thu được từ quá trình lên men, tiếp tục đưa vào ủ trong thời gian tối thiểu 1 năm với 7 lần lên men, lắng và lọc nữa mới đưa vào sử dụng. Nhờ sản xuất theo phương pháp này, rượu đượm hương vị thảo mộc tự nhiên, đậm đà, có thể để được lâu năm dù bảo quản ở nhiệt độ bình thường trong phòng.
*Được biết, chị cũng vừa cho ra mắt sản phẩm rượu vang làm từ… khoai lang tím...
- Vâng, rượu vang khoai lang tím được tôi nghiên cứu và sản xuất chỉ trong 1 tháng - từ khi nảy ra ý tưởng đến khi đi vào sản xuất. Chứng kiến bà con nông dân lao đao vì không tiêu thụ được khoai lang, tôi muốn làm một cái gì đó để hỗ trợ. Khi nhận được đề nghị từ một khách hàng, tôi bắt tay vào làm ngay.
Chế biến vang khoai lang tím cũng theo phương pháp lên men, nhỏ giọt nhưng thú thật là khó hơn vang nếp nhiều. Như chúng ta đã biết, hàm lượng đường trong nguyên liệu là thành phần quan trọng để lên men thành rượu vang. Nhưng khoai lang tím có lượng đường rất thấp lại nhiều xơ, nên nếu không xử lý cẩn thận dễ bị chuyển thành giấm. Thời gian thử nghiệm mỗi ngày tôi làm gần 10 mẻ, được chế biến theo các công thức khác nhau, mãi mới thành công. Cái khó nhất vì đây là sản phẩm mới, không có nguồn dữ liệu khoa học cơ sở để tham khảo nên tôi phải tự mày mò làm từng chút một.
Rượu vang khoai lang có chất chống oxy hóa Anthocyanin rất cao và có tác dụng tái tạo làn da nếu dùng điều đặn 30 - 50 ml trong 28 ngày.
Mượn rượu để kết nối
Dự án “Kết nối một Việt Nam” là ý tưởng táo bạo của chị Trương Thị Xuân Hòa nhằm tạo ra bộ sưu tập rượu trứ danh, kết tinh từ những đặc sản khắp 3 miền đất nước.
* Chị có thể tiết lộ đôi chút về dự án “Kết nối một Việt Nam” mà chị đang theo đuổi?
- Ý tưởng tạo ra dự án từ một gợi ý của GS Phan Văn Trường, cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế: “Này Hòa, còn những nông sản nào của Việt Nam có thể làm được rượu?”. Tôi nhận ra rằng: Gần một nửa nông sản của Việt Nam có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất rượu. Với một nguồn lực đa dạng các loại trái cây, thảo mộc như vậy vì sao mình không thử gắn kết chúng lại với nhau trong một điểm chung là rượu. Và thế là tôi bắt tay vào làm ngay.
Mục tiêu của dự án là trong 5 năm, Belifoods có thể nghiên cứu phát triển thành công ít nhất mỗi tỉnh, thành một sản phẩm rượu chất lượng cao. Trong 5 năm này, mỗi năm tôi sẽ cho ra đời một bộ sưu tập rượu mang tính kết nối giữa 3 miền Bắc - Trung - Nam. Dự án sẽ được mở đầu bằng bộ sưu tập mang tên Xuân Hạ Thu Đông dự kiến ra mắt trong năm 2022.
* Tôi rất tò mò với tên gọi bộ sưu tập rượu Xuân Hạ Thu Đông...
- Bộ sưu tập gồm 12 loại rượu, được chia theo 2 gói hàng (combo) Xuân Hạ và Thu Đông dựa vào mùa thu hoạch của chúng. Ví dụ như: Hoa cà phê thường được thu hoạch vào mùa xuân, hoa sen vào mùa hè, hoa cúc vào mùa thu đông... Nguyên liệu để làm ra các loại rượu này được chọn lọc từ những đặc sản của từng địa phương. 12 sản phẩm rượu sẽ bao gồm: Rượu trà Thái Nguyên, rượu nhãn lồng Hưng Yên, rượu vải Bắc Giang, rượu Kim Cúc Hòa Bình, rượu hoa sen trắng Huế, rượu gạo Bình Định, rượu gừng sẻ Đắk Lắk, rượu cà phê Đà Lạt, rượu mật dừa nước TP Hồ Chí Minh, rượu bạc hà Bình Thuận, rượu bưởi Bến Tre, rượu sâm Đại Hành An Giang.
Khách hàng thăm quan, tìm hiểu rượu vang nếp Belifoods tại một triển lãm sản phẩm khởi nghiệp trong tỉnh. Ảnh: HỒNG HÀ
Tôi nhấn mạnh đây là bộ sưu tập rượu, không giống như vang nếp hay vang khoai lang tím. Rượu sẽ được chưng cất từ quá trình lên men các nông sản đặc sản vùng miền. Mỗi loại như vậy sẽ có một hương vị, màu sắc và tác dụng khác nhau. Tôi hy vọng thông qua việc phát triển nhiều sản phẩm rượu từ nông sản Việt sẽ giúp bảo tồn các giống nông sản bản địa và nâng cao giá trị nông sản hơn nữa.
Rượu và câu chuyện khởi nghiệp
Câu chuyện khởi nghiệp của 8X Trương Thị Xuân Hòa đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ đang ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp. Chị còn là cầu nối giúp các bạn trẻ ở Bình Định gặp gỡ GS Phan Văn Trường và làm quen với hệ sinh thái Cấy Nền.
* Khởi nghiệp từ rượu đã khó, khởi nghiệp với sản phẩm quá mới như vậy càng khó hơn, vậy vì sao chị lại chọn như thế…
- Đúng là khởi nghiệp với rượu rất khó. Cũng có lúc gia đình tôi nghĩ rằng đó là ý tưởng điên rồ. Nhưng tôi thích dấn thân, chinh phục những cái mới mẻ để khởi nghiệp và cũng muốn phát triển nghề làm rượu nếp của gia đình để không bị mai một. Tôi muốn tạo ra một sản phẩm vừa mới mẻ vừa giữ được trọn vẹn những nét tinh túy của rượu nếp truyền thống và phát triển nó thành một thương hiệu mang tầm quốc tế.
* Vậy làm thế nào chị vượt qua những khó khăn đó?
Cho tới nay, Belifoods đã giành được nhiều giải thưởng quan trọng như: Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2021, sản phẩm công nghiệp tiêu biểu, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP. Belifoods có tham vọng 30 năm nữa sẽ tạo được tiếng vang trên bản đồ rượu thế giới. Hiện, Belifoods đang tiến hành các thủ tục pháp lý để bảo hộ cho thương hiệu rượu Việt sắp công bố trong năm 2022.
- Nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới đã khó, chinh phục thị trường còn khó hơn. Người tiêu dùng chưa có khái niệm về vang nếp và đã quen với sản phẩm rượu vang làm từ nho, có vị chát và hương thơm trái cây, trong khi vang nếp có vị ngọt nhẹ, thơm mùi thảo mộc. Nhiều người còn quan niệm rượu nếp chỉ để dùng cho “phái yếu”. Chính vì vậy, tôi quyết định không chen chân vào thị trường rượu thông thường mà tập trung vào phân khúc sản phẩm đồ uống lành mạnh, có lợi cho sức khỏe. Sau thời gian đầu “đánh tiếng”, Belifoods đã từng bước thuyết phục được người tiêu dùng, với doanh số tiêu thụ ngày càng tăng.
May mắn cho tôi là đã nhận được sự hậu thuẫn vững chắc từ gia đình, bạn bè, đặc biệt là GS Phan Văn Trường và các anh chị trong hệ sinh thái Cấy Nền.
* Chị có nhắn nhủ gì với các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ khởi nghiệp?
- Khởi nghiệp đòi hỏi nhiều nguồn lực mà những người trẻ vừa thiếu kinh nghiệm, thiếu tài chính, thiếu mối quan hệ... Vậy nên cần phải bắt đầu với câu hỏi tại sao để khơi gợi nội lực trong chính bản thân mình; chủ động và linh hoạt để thích ứng với dòng chảy xã hội.
Các bạn nên trở về nguồn để đánh giá lại các thế mạnh sẵn có từ bản thân, gia đình, địa phương và chọn sản phẩm khởi nghiệp. Sau đó xem lại bản thân mình có sẵn sàng chưa, có thật sự muốn dấn thân khởi nghiệp với sản phẩm đó hay không vì con đường khởi nghiệp không phải dễ đi, thiếu nhiều thứ.
HỒNG HÀ