Vun vén những yêu thương
Covid-19 tạo nhiều áp lực cho phụ nữ, nhất là với các chị em đóng vai trò làm chủ kinh tế gia đình. Làm vợ, làm mẹ, chị em vừa bươn chải kiếm tiền, vừa chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho các thành viên. Thường xuyên đối mặt với nhiều nỗi lo, nhiều người luôn tự hỏi: Nếu mình ngã gục vì mệt mỏi hay vì mắc Covid-19, ai sẽ là người chăm lo cho tổ ấm vượt qua cơn bão này?
4 giờ sáng, chị Đặng Thị Như Thảo (phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) bắt đầu ngày mới. Chuẩn bị xong bữa sáng cho chồng và 3 con còn đang tuổi đi học, chị lại tất bật dọn hàng cho kịp phiên chợ sớm. Chồng chị là lao động chân tay, ai thuê gì làm nấy, thu nhập không ổn định. Chị bán hàng ở chợ Lớn gần 10 năm, đã quen với cảnh làm không ngơi tay. Covid-19 xuất hiện khiến cuộc sống gia đình chị thay đổi.
Chị Thảo (bên trái) cùng các chị em tiểu thương tất bật buôn bán. Ảnh: D.L
Chị Thảo chia sẻ: “Thu nhập giảm là nỗi lo lớn nhất, bởi chi phí cho việc ăn học của con tôi không hề nhỏ. Bên cạnh đó, trong thời gian thực hiện quy định 3 ngày test 1 lần để được bán hàng, tôi cũng căng thẳng ít nhiều vì sợ sẽ không còn dư dả để dành dụm cho sinh hoạt gia đình”.
Không chỉ tác động đến đời sống kinh tế của gia đình, Covid-19 còn gây ra nỗi mất mát không thể bù đắp. Chồng qua đời vì Covid-19, mọi gánh nặng đổ dồn trên đôi vai của chị Trần Thị Tám (xã Cát Tân, huyện Phù Cát). Từ chỗ là hậu phương, chị buộc phải trở thành trụ cột, thay chồng gánh vác mọi việc. Vừa bán trái cây, chị vừa nhận thêm quần áo về may, sửa vào buổi tối để nuôi nấng đứa con trai mới học lớp 2. Giây phút quý giá nhất mỗi ngày của chị là dạy con học, lắng nghe con tâm sự, trò chuy ện.
“Con còn ngây thơ, lắm khi hỏi mẹ: Sao ba đi mãi chưa về. Thương con, tôi càng cố gắng kiếm tiền, đồng thời làm quen với vai trò vừa làm cha, vừa làm mẹ; dạy dỗ con nên người, thay cho người chồng đã mất”, chị Tám xúc động chia sẻ.
Để chu toàn cho mái ấm, ngoài việc đảm bảo kinh tế, nhiều chị em lựa chọn tạm gác lại những sở thích cá nhân. Từ 1 người năng nổ trong các hoạt động văn nghệ, thể thao, chị Từ Thị Yến (phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn), đã chủ động dành quỹ thời gian rảnh rỗi cho việc tìm hiểu những cách phòng, chống Covid-19 cho người thân, từ cách xông sao cho hiệu quả nhất đến các phương thuốc tự nhiên nhằm tăng sức đề kháng.
Mang trong mình nhiều bệnh nền, lại là chỗ dựa duy nhất cho con gái, chị Yến luôn cố gắng giữ sức khỏe để chăm sóc con thật tốt. Bên cạnh đó, chị cũng bắt đầu bày hàng điểm tâm sớm hơn với mong muốn cải thiện thu nhập.
“Trước dịch, tôi thường bắt đầu bán khoảng 6 giờ. Từ ngày có dịch, nhất là thời điểm chỉ được phép bán mang về, tôi kiếm được ít tiền hơn so với trước. Do đó, tôi quyết định bán sớm hơn để dành dụm chữa bệnh và chăm sóc cho gia đình chu đáo hơn”, chị Yến kể.
Song song với đó, một số chị em đã hình thành thói quen mới từ mùa dịch. Nấu vừa đủ ăn để tiết kiệm nhu yếu phẩm, dành dụm tiền từ việc tiết kiệm nguồn chi không thiết yếu trong gia đình, ghi chép lại những khoản thu - chi trong tháng, thường xuyên theo dõi sức khỏe cho các thành viên... là những điều phổ biến nhất.
Thuộc diện hộ nghèo, bà Đỗ Thị Bông (ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) đã khó khăn lại càng khó khăn hơn trước tác động của Covid-19. Tuổi đã cao nhưng bà vẫn phải làm thuê nhiều việc khác nhau để nuôi người con trai mắc bệnh tâm thần. Không dễ để có thu nhập ổn định, buộc bà phải tích cực tiết kiệm, cân nhắc kĩ lưỡng mọi chi tiêu trong nhà.
Bà Bông tâm sự: “Cân bằng thu - chi là bài toán khó với tôi, nhất là trong hoàn cảnh như hiện nay. Bởi vậy, điều chỉnh thói quen sinh hoạt linh động, phù hợp với điều kiện gia đình là điều cần thiết. Với vai trò là trụ cột kinh tế, tôi càng phải chủ động để đảm bảo tổ ấm của mình không rơi vào bế tắc, bình yên vượt qua cơn bão mang tên Covid-19”.
DƯƠNG LINH