Ngành chăn nuôi linh hoạt thích ứng để khôi phục, phát triển
Quá trình khôi phục hoạt động sản xuất sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ngành chăn nuôi Bình Ðịnh đối mặt với nhiều thách thức từ dịch bệnh và biến động thị trường. Ngành NN&PTNT tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi từng bước chuyển hướng để thích ứng.
Tập trung bảo vệ đàn vật nuôi
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), đến nay, tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, đàn bò ước đạt gần 298 nghìn con, tăng 0,5% so với cùng kỳ; đàn heo ước đạt gần 765.500 con, tăng 14,3%; đàn gia cầm ước đạt 8,8 triệu con, tăng 1,5%. Trong 2 tháng đầu năm 2022, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng cao, đặc biệt là giá thịt heo hơi tăng lên giúp người chăn nuôi ổn định và khôi phục hoạt động sản xuất, tái đàn vật nuôi.
Người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chuyển hướng sang các mô hình chăn nuôi an toàn, từng bước tìm kiếm nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp. Ảnh: THU DỊU
Từ cuối tháng 2.2022 đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, trong đó bệnh dịch tả heo châu Phi và bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò xuất hiện cục bộ ở một số địa phương. Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, Sở NN&PTNT giao Chi cục Chăn nuôi và thú y lên kế hoạch tiêm phòng, đồng thời tập trung vào các vùng nguy cơ cao để tuyên truyền người dân trong công tác bảo vệ đàn vật nuôi.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y, cho biết: “Từ cuối tháng 2 đến nay thời tiết diễn biến bất thường - đây là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi. Cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tập trung vào công tác tuyên truyền, khuyến cáo để người dân ý thức trong bảo vệ vật nuôi, chủ động liên hệ cán bộ thú y trong trường hợp phát hiện dịch bệnh, chủ động trong công tác tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại”.
Theo kế hoạch, toàn tỉnh có kế hoạch tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi năm 2022 phù hợp với các nhóm bệnh, cụ thể: Tiêm phòng cúm gia cầm đợt 1 từ ngày 1.1 - 30.6, đợt 2 từ ngày 1.7 - 31.12. Tiêm phòng lở mồm long móng gia súc đợt 1 từ ngày 25.3 - 25.4, đợt 2 từ ngày 25.9 - 25.10. Tiêm phòng tụ huyết trùng trâu bò từ ngày 15.10 - 15.11. Tiêm phòng viêm da nổi cục từ 2.5 - 31.5. Tiêm phòng bệnh dại ở chó mèo từ ngày 5.3 - 15.4.
Chuyển hướng chăn nuôi, kéo giảm chi phí đầu vào
Hiện hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang khôi phục và phát triển. Tuy nhiên, biến động giá cả thị trường ảnh hưởng tới nguyên liệu đầu vào khiến giá thức ăn chăn nuôi đang có xu hướng tăng dần đều. Dịch bệnh cùng với giá thức ăn tăng nhanh khiến người chăn nuôi càng thêm khó.
“Dự báo giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã được ngành Nông nghiệp đưa ra từ trước. Do vậy, gia đình tôi từng bước chuyển đổi tìm thêm nguồn thức ăn để giảm phụ thuộc hoàn toàn vào thức ăn công nghiệp. Hiện tôi đang phối trộn tinh bột bắp, cám gạo, rau… cho heo ăn. Cùng với đó, tôi kết hợp nuôi heo nái để nhân giống nhằm giảm chi phí đầu vào”.
Ông Huỳnh Tiến Thảo, chủ một trang trại heo tại xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn
Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động các giải pháp hỗ trợ ngành chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ông Huỳnh Ngọc Diệp phân tích: Để giảm áp lực, chúng tôi khuyến khích các hộ chuyển hướng sang chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ; đồng thời thay đổi trong nguồn cung thức ăn, giảm dần thức ăn công nghiệp, thay vào đó pha trộn các nguyên liệu như cám gạo, bắp, rau, chuối để giảm chi phí mua thức ăn. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp khuyến khích, thu hút đầu tư vào hoạt động xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi để giảm thiểu rủi ro do biến động của thị trường.
Hiện, Sở NN&PTNT giao Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn người chăn nuôi xây dựng các mô hình chăn nuôi kết hợp sử dụng nguồn thức ăn bản địa như rau, chuối, thảo dược… để giảm phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp, từ đó nhân rộng mô hình.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Chăn nuôi là một trong những lĩnh vực mũi nhọn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Bình Định xác định tập trung đầu tư vào chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi công nghệ cao với nhóm vật nuôi chính là bò, heo, gà, tôm thẻ chân trắng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, thu hút đầu tư vào hoạt động chăn nuôi; xây dựng vùng chăn nuôi công nghệ cao tại Nhơn Tân (TX An Nhơn) và Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.
THU DỊU