Nhân lực AI: Cầu lớn, cung chưa đáp ứng
Các dự án đầu tư về trí tuệ nhân tạo đặt ra yêu cầu nhân lực cho ngành này rất lớn nhưng nguồn nhân lực trong tỉnh hiện chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng.
Đề án phát triển Khu đô thị khoa học Quy Hòa và Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ càng hình thành rõ ràng thì nhu cầu nhân lực ngành trí tuệ nhân tạo (AI) lại càng trở nên “nóng” hơn. Khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các DN đang hoạt động tại Khu đô thị khoa học Quy Hòa có thể thấy, các đơn vị tại đây cần ít nhất 3.000 kỹ sư công nghệ.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp từ QNU hiện là thành viên chủ chốt trong các dự án công nghệ về khoa học dữ liệu và AI của FSOFT Quy Nhơn. Ảnh: HỒNG HÀ
Cụ thể, hai “sếu đầu đàn” là Công ty TNHH Phần mềm FPT Quy Nhơn (FSOFT Quy Nhơn) có kế hoạch tuyển 2.500 kỹ sư đến năm 2025; Công ty TMA Solutions Bình Định tuyển 1.100 kỹ sư đến năm 2025, mục tiêu xa hơn là đào tạo và tuyển dụng hơn 3.000 kỹ sư công nghệ cao. Các vị trí chủ yếu là kỹ sư dữ liệu (Data Engineer), phân tích dữ liệu (Data Analyst), lập trình viên (Developer)…
Tại Bình Định, hiện có 2 trường đại học có đủ khả năng đào tạo nhân lực về công nghệ thông tin (CNTT) là Trường ĐH Quy Nhơn (QNU) và ĐH FPT phân hiệu Quy Nhơn. QNU có khoa Toán & Thống kê và khoa CNTT mỗi năm đào tạo khoảng 400 sinh viên các ngành Toán ứng dụng, Khoa học dữ liệu ứng dụng, Khoa học máy tính, AI, Công nghệ phần mềm, Kỹ thuật phần mềm. Nhiều sinh viên tốt nghiệp từ khoa hiện là thành viên chủ chốt trong các dự án công nghệ về khoa học dữ liệu và AI của TMA Solutions Bình Định, FSOFT Quy Nhơn. Ngoài ra, ĐH FPT phân hiệu Quy Nhơn đến nay đã tuyển được 800 sinh viên đầu tiên với các chuyên ngành liên quan như: Kỹ thuật phần mềm, AI... Tự mình các “sếu đầu đàn” cũng tuyển dụng và mở các lớp đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ nhân sự liên quan sâu đến các nhu cầu của mình.
Tuy vậy, việc đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành AI hiện chưa được đặt thành vấn đề, chưa kể còn bị đánh giá cần có nhiều hoàn chỉnh về chuyên môn. Ông Vũ Văn Đông, Giám đốc FSOFT Quy Nhơn, cho biết: “Nguồn nhân lực hiện nay của tỉnh về mặt chất lượng và số lượng còn hạn chế nhất định, đặc biệt số lượng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường nhân lực lĩnh vực CNTT”.
PGS.TS Lê Công Trình, Trưởng khoa Toán & Thống kê, QNU đã chỉ ra một số khó khăn: Khoa có truyền thống đào tạo và nghiên cứu Toán, Toán ứng dụng, với đội ngũ giảng viên đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo các lĩnh vực Toán ứng dụng, khoa học dữ liệu, AI. Tuy nhiên, cơ hội để giáo viên làm việc với các dự án thực tế chưa nhiều. Chương trình đào tạo của khoa đối với các ngành Toán ứng dụng, Khoa học dữ liệu, AI được xây dựng dựa trên việc tham khảo chương trình của các trường đại học lớn trên thế giới cũng như của Việt Nam và các chuyên gia trong lĩnh vực này nên sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các công ty công nghệ. Tuy vậy, chương trình đào tạo ngày càng điều chỉnh tốt hơn, nhanh hơn để tiếp cận với xu thế công nghệ cũng như thực tế cuộc sống không chỉ ở địa bàn Bình Định mà còn rộng khắp cả nước. Về cơ sở vật chất, dù trường đã được đầu tư kinh phí trang bị hạ tầng CNTT, song vẫn còn thiếu những máy tính đủ mạnh phục vụ cho việc tính toán trên dữ liệu lớn, phục vụ cho việc đào tạo và nghiên cứu khoa học. Mặt khác, dù các công ty công nghệ sẵn sàng nhận sinh viên làm đồ án môn học, thực tập và tuyển dụng sau khi tốt nghiệp, nhưng nhiều sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu công việc do thiếu kiến thức và kỹ năng mềm.
“Cùng với các cơ chế, chính sách của các DN, Bình Định cần có những chính sách đủ mạnh để tạo cú huých nhằm thu hút nguồn nhân lực CNTT, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao từ các nơi về Bình Định”.
Giám đốc Sở TT&TT Trần Kim Kha
Ông Nguyễn Công Nhật Quang, Quản lý điều hành Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI (QAI), trực thuộc FSOFT Quy Nhơn, cho biết: Nhân lực đáp ứng cho các dự án của công ty đòi hỏi phải nắm vững chuyên môn và những kỹ năng cơ bản, sẵn sàng học hỏi và tiếp cận công nghệ mới.
Để thỏa mãn “cơn khát” nhân lực lĩnh vực khoa học dữ liệu và AI, QNU định hướng sẽ tăng số lượng tuyển sinh đầu vào, phối hợp với các DN để thiết kế những suất học bổng giá trị nhằm động viên sinh viên giỏi đăng ký theo học những ngành này. Đồng thời, QNU cũng sẽ gắn kết chặt chẽ với DN từ việc phối hợp đào tạo đến định hướng nghề nghiệp nhằm giúp sinh viên có thể kiếm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Trong khi đó, FSOFT Quy Nhơn và TMA Solutions Bình Định sẽ triển khai nhiều chương trình đón sinh viên QNU đến thực tập và tham gia hỗ trợ các dự án cụ thể tại QNU. Sau thời gian thực tập, các công ty sẽ chọn những sinh viên có kết quả tốt để ký hợp đồng đào tạo và rèn luyện để trở thành nhân viên chính thức. FSOFT Quy Nhơn dự kiến mở khoảng 8 lớp đào tạo kỹ sư dữ liệu và phân tích dữ liệu trong năm 2022, đồng thời cũng đẩy mạnh các chương trình tuyển dụng và ươm mầm tài năng AI nhằm góp phần chuẩn bị lực lượng kỹ sư AI hùng hậu để phục vụ mục tiêu đưa Quy Nhơn trở thành trung tâm AI của châu Á.
HỒNG HÀ