Phòng bệnh cúm mùa
Hiện đang là thời điểm giao mùa - điều kiện thuận lợi cho các bệnh hô hấp phát triển, đặc biệt là cúm mùa. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên rất dễ gây nhầm lẫn. Vì vậy, cần nhận biết và có cách ứng phó phù hợp với cúm mùa ở thời điểm hiện tại.
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên. Bệnh xảy ra hằng năm, thường vào mùa đông xuân, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam, các vi rút gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Thời kỳ ủ bệnh điển hình của cúm mùa là từ 1 đến 4 ngày (trung bình là 2 ngày). Cần nghi ngờ cúm mùa ở những bệnh nhân sốt đột ngột (trên 380C), ho, đau cơ khi đang sống ở những khu vực có cúm mùa lưu hành hoặc có tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cúm. Ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng khác như khó chịu, mệt mỏi, đau họng, buồn nôn, nghẹt mũi và đau đầu. Triệu chứng tiêu hóa như nôn mửa và tiêu chảy xảy ra ở 10 - 20% trẻ em nhưng ít khi gặp ở người lớn.
Đối với bệnh nhân có tình trạng ức chế miễn dịch và người lớn trên 65 tuổi thì các triệu chứng toàn thân nhẹ hơn, có thể sốt hoặc không. Để chẩn đoán xác định, cần có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm.
Đối với bệnh nhân mắc cúm mùa nặng đã có biến chứng (viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng…) và những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ kể trên cần nhập viện điều trị. Với bệnh cúm nhẹ chưa có biến chứng, có thể tham vấn bác sĩ và có thể tự điều trị tại nhà.
Để điều trị triệu chứng có thể dùng thuốc hạ sốt paracetamol khi sốt trên 38,50C. Có thể dùng các thuốc chống viêm non-steroid để giảm nhức đầu và đau cơ liên quan đến cúm. Uống đủ nước để đảm bảo cân bằng nước điện giải. Chế độ dinh dưỡng hợp lý để nhanh chóng phục hồi. Nên tiêm vắc xin để phòng ngừa cúm mùa hiệu quả, hiệu quả bảo vệ của vắc xin có thể lên đến 89%.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)