Ðảm bảo an toàn thực phẩm trong quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản:
Chú trọng cảnh báo, nâng cao nhận thức
Theo kế hoạch, trong năm nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) tập trung vào hoạt động giám sát, cảnh báo các nguy cơ vi phạm an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp, hướng tới hỗ trợ người sản xuất tiếp cận thông tin và tự điều chỉnh. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Bình Ðịnh, xung quanh vấn đề này.
● Thưa ông, kế hoạch giám sát dư lượng kháng sinh cấm, các chất độc hại và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 có gì thay đổi so với trước đây?
- Năm 2022, Bộ NN&PTNT không ban hành kế hoạch hành động như các năm trước mà ban hành khung giám sát an toàn thực phẩm (ATTP). Bộ nhấn mạnh vào công tác giám sát dư lượng chất cấm để đưa ra cảnh báo cho người sản xuất, người tiêu dùng đối với nhóm sản phẩm nông nghiệp. Cơ quan quản lý tập trung giám sát và đưa ra cảnh báo vi phạm với các nhóm nông sản có nguy cơ cao, hướng đơn vị sản xuất tiếp nhận các cảnh báo từ cơ quan chức năng để thay đổi phù hợp với yêu cầu chung của thị trường, từ đó từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vừa đáp ứng thị trường tiêu dùng nội địa và đủ điều kiện phục vụ xuất khẩu.
Nem chua Bình Định được chứng nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Trên cơ sở chương trình khung từ Bộ, Chi cục phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với thực tế của địa phương, trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch giám sát dư lượng kháng sinh cấm, các chất độc hại và quản lý chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022.
● Vậy để thực hiện kế hoạch này, Chi cục xây dựng nhiệm vụ và giải pháp như thế nào?
- Mục tiêu là giám sát và đưa ra cảnh báo, do đó Chi cục tổ chức hoạt động giám sát theo từng lĩnh vực quản lý. Theo đó, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các vùng sản xuất rau quả trên địa bàn tỉnh, chú trọng giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tập trung vào các đối tượng dưa hấu, dưa leo, khổ qua, hành lá và ớt tươi; kiểm tra ATTP trong thịt tại các chợ, cơ sở giết mổ động vật tập trung; quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, kiểm tra điều kiện ATTP tại các cảng cá và khu neo đậu trong tỉnh; kiểm tra việc sử dụng hóa chất, phụ gia trong sản phẩm đặc trưng của tỉnh có mức độ rủi ro cao về ATTP.
Đồng thời, thực hiện công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý kịp thời các vi phạm về ATTP. Tổ chức các hội nghị tập huấn về quản lý chất lượng, ATTP lĩnh vực nông nghiệp cho cán bộ quản lý và người sản xuất tại các địa phương trọng điểm trong tỉnh.
● Ông đánh giá thế nào về tình hình chấp hành quy định ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh?
- Qua từng năm, tỷ lệ các vụ việc vi phạm phải xử lý đã giảm xuống. Sau nhiều đợt tập huấn, phổ biến kiến thức, kiểm tra…, phía các nhà sản xuất, đặc biệt là các cơ sở sản xuất sản phẩm đặc trưng của tỉnh chấp hành rất tốt các quy định về ATTP. Hơn nữa người dân cũng chủ động tham vấn ý kiến cơ quan chức năng trong lĩnh vực quản lý chất lượng và đảm bảo ATTP lĩnh vực nông nghiệp. Điều này cho thấy chuyển biến tích cực từ phía các nhà sản xuất trong tỉnh, đây là điều rất đáng mừng.
Người dân thay đổi theo hướng tích cực thì hoạt động quản lý của cơ quan chức năng cũng phải thay đổi theo. Theo đó, Chi cục thay đổi cách quản lý, gia tăng sự tương tác với người dân, tiếp nhận thông tin từ nhiều phía để hỗ trợ người dân. Cùng với đó, Chi cục phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tập huấn các kiến thức trong ATTP phù hợp với nhu cầu của từng nhóm sản xuất. Đồng thời, Chi cục cung cấp số điện thoại của cán bộ quản lý, trực tiếp hỗ trợ người dân qua điện thoại theo phương châm “dân hỏi cán bộ trả lời”.
● Xin cảm ơn ông!
THU DỊU (Thực hiện)