TIẾP BIẾN VÀ HÒA HỢP VĂN HÓA VIỆT - CHAMPA:
Từ một góc quan sát thú vị
Ở Bình Định, có hiện tượng khá thú vị là khi phát hiện được tượng hay phù điêu Champa người dân thường báo lại với trụ trì của ngôi chùa gần địa điểm phát hiện nhất và đề nghị đưa vào thờ tự trong chùa. Chính điều này đã tạo nên hiện tượng tiếp biến và hòa hợp văn hóa Việt - Champa.
Hiện tượng trên được ghi nhận khá nhiều tại một số ngôi chùa ở Bình Định, có thể kể đến: Tượng Ông Đen, Ông Đỏ (thực chất là hai tượng thần hộ pháp Champa) được phối thờ tại chùa Nhạn Sơn, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn; tượng thần Shiva được phối thờ ở chùa Linh Sơn, xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn; hai tượng Ông Voi (thực chất là hai tượng Ganesa – vị thần đầu voi mình người của Champa) phối thờ ở hai chùa Linh Tượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn và chùa Dương Lăng, xã Nhơn An, TX An Nhơn. Ngoài ra còn có phù điêu nữ thần hiện đang lưu giữ tại chùa Bửu Tháp, xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn và một phù điêu nam thần lưu giữ tại Linh Sơn Thiền Tự, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát. Đây là hai hiện vật ít được nhắc đến trong các tài liệu, báo chí.
Phù điêu nữ thần hiện đang lưu giữ tại chùa Bửu Tháp, xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn.
Chùa Bửu Tháp được xây dựng trên khu đất vốn có phế tích một cụm đền tháp Champa. Tại đây, hiện đang lưu giữ một phù điêu sa thạch điêu khắc nữ thần Champa trong tư thế ngồi, chân xếp bàn; đường nét chạm khắc hoa văn khá tinh xảo. Nữ thần đội mũ miện hình chóp 5 tầng; hoa văn các tầng mũ là hình những cánh sen đứng xếp chồng lớp. Đai mũ trang trí những hạt chấm tròn kết dải. Khuôn mặt nữ thần bầu tròn; lông mày mảnh hình lá liễu; mắt mở, nhìn thẳng; mũi thẳng, thon gọn; miệng mím lại; hai bờ môi tương đối mỏng mảnh. Tai to, dài đến tận vai, có đeo vòng trang sức hình tròn. Cổ ngắn, người khá thon gọn; ngực nở, eo thon; hai chân ngồi xếp bàn; hai tay nắm lại đặt nhẹ lên đùi. Đặc biệt nữ thần mặc áo bó sát người, cổ áo khoét rộng, có hai diềm trang trí, một diềm trang trí hạt chấm tròn nối tiếp, một diềm trang trí hình cánh sen nhọn nối tiếp. Hai bắp tay và hai cổ tay đều đeo vòng trang sức giống nhau với mô típ là những chấm tròn kết dải ở giữa và hai đường gờ tròn nổi hai bên. Thắt lưng của nữ thần mặc sam-pốt kiểu kết liền, có vạt hình vảy cá thả lỏng phía trước. Toàn thân nữ thần được chạm khắc nằm trọn trong một khối đá trang trí hình lá đề. Đường nét tạo hình như đã thấy tương đối hiếm và gần như ít trùng lặp về chủ đề so với những phù điêu nữ thần đã tìm thấy ở địa bàn Bình Định.
Phù điêu nam thần Champa hiện đang lưu giữ tại Linh Sơn Thiền Tự, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát. Phù điêu được chạm khắc từ chất liệu đá sa thạch, chạm một mặt, mặt sau để trơn. Phù điêu đã bị vỡ phần dưới, chỉ còn lại phần từ ngực trở lên. Phần còn lại này còn thấy rõ các đặc điểm như: Đầu đội mũ hình chóp nhọn; khuôn mặt bè rộng gần vuông; mắt nhắm; mũi thấp, bẹt; cánh mũi bè rộng; miệng mím lại, môi dày. Tai to, dài, có đeo vòng trang sức tròn, cổ ngắn. Thân hình vạm vỡ, khỏe khoắn; mặc áo có yếm ở cổ xẻ hình cánh hoa sen, đeo một vòng trang sức gồm nhiều khúc tròn tỏa đều ra các hướng; ở phần bắp tay cũng đeo vòng trang sức dạng hạt tròn kết dải, hai bên là hai vòng tròn giật cấp.
Phù điêu nam thần lưu giữ tại Linh Sơn Thiền Tự, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát.
Hai phù điêu vừa kể rất có thể được sử dụng để trang trí trong các ô khám trên các tầng tháp Champa xưa. Theo thông tin chúng tôi có được thì phù điêu nam thần này cũng có nguồn gốc từ phế tích chùa Bửu Tháp, chính vì vậy hai phù điêu có nhiều nét khá tương đồng về cách thể hiện hoa văn trang trí như: Đầu đội mũ hình chóp nhọn; mắt đang trong trạng thái nhắm sâu thiền định, được chạm những nét rất giản lược, không đi vào đặc tả rõ các chi tiết; hai tai dài đến tận vai, đeo vòng trang sức hình tròn; cổ áo hình cánh sen, trang trí họa tiết cầu kỳ nhiều lớp; phần bắp tay đeo vòng trang sức với mô típ là những chấm tròn kết dải ở giữa và hai đường gờ tròn nổi hai bên…
Những đường nét trang trí này khá tương thích với phong cách nghệ thuật tháp Mẫm trong hệ thống phân loại các phong cách nghệ thuật điêu khắc kiến trúc Champa, tương ứng với giai đoạn từ thế kỷ XII - XIII; gắn liền với thời kỳ vương triều Vijaya thịnh trị trên mảnh đất Bình Định xưa. Chúng tôi tán thành quan điểm của Hồ Thùy Trang khi nhận định: “Một điểm độc đáo nữa là hai tượng hộ pháp Nhạn Sơn là sản phẩm của nền văn hóa Champa, nhưng lại được nối dài trong đời sống mang yếu tố văn hóa Việt. Có thể nói, khi người Việt phết lên hai pho tượng lớp sơn của mình, họ đã phết thêm cho hai pho tượng một lớp văn hóa của người Việt. Tồn tại qua hàng trăm năm, hai pho tượng được Việt hóa, thánh hóa trong tín ngưỡng của cư dân Việt. Vì vậy cho đến nay, hai pho tượng vẫn được người dân tôn kính thờ cúng. Có thể nói, hai tượng hộ pháp Nhạn Sơn không chỉ mang giá trị đặc sắc trong nghệ thuật điêu khắc Champa mà còn mang những giá trị đặc biệt trong sự giao thoa, dung hợp tín ngưỡng giữa hai nền văn hóa Chăm - Việt”. (Nguồn: Tôn vinh biểu tượng dung hợp văn hóa Chăm - Việt, link: https://bitly. com.vn/jgj6tf).
Từ thực tế “hiện tượng tiếp biến và hòa hợp văn hóa Việt - Champa” khá phổ biến đã nêu ở trên, có thể thấy rằng, người Việt khá bao dung, có thái độ cởi mở khi tiếp nhận tín ngưỡng, phong tục, tập quán của cư dân bản địa.
NGUYỄN VIẾT TUẤN