Nâng cao kỹ năng PCCC cho lực lượng tại chỗ
Thời tiết đang bắt đầu bước vào mùa hanh khô khiến nguy cơ xảy ra cháy, nổ tại các cơ sở sản xuất, DN trong các khu công nghiệp khá cao. Nhằm giảm thiểu các thiệt hại do cháy, nổ gây ra, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH thuộc CA tỉnh đã tăng cường tập huấn, huấn luyện kỹ năng, thực tập phương án PCCC cho lực lượng tại chỗ.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, trong số 10 vụ cháy xảy ra từ đầu năm 2022 đến nay, có 3 vụ cháy xảy ra tại các cơ sở sản xuất, DN trong các khu công nghiệp. Tuy không gây thương vong về người nhưng thiệt hại ước tính hơn 1,8 tỷ đồng. Nguyên nhân gây ra các vụ cháy chủ yếu là do chập dây dẫn điện, sơ suất trong sử dụng lửa hoặc vi phạm các quy định an toàn về PCCC.
Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Nguyễn Văn Long cho biết: Luật PCCC quy định “Mọi hoạt động PCCC trước hết phải được giải quyết và thực hiện bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ”. Từ thực tế các vụ cháy, nổ xảy ra cho thấy, lực lượng chữa cháy tại chỗ đóng vai trò hết sức quan trọng; nếu được lực lượng PCCC cơ sở phát hiện và cứu chữa kịp thời ngay từ ban đầu thì thiệt hại ít.
Theo cơ quan chức năng, hiện nay, lực lượng PCCC ở cơ sở chưa được trang bị đầy đủ trang phục, các phương tiện PCCC theo quy định, dẫn đến chưa phát huy hiệu quả tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ sở, các chủ DN chưa quan tâm xây dựng và duy trì hoạt động cho đội PCCC cơ sở, không tổ chức trực và tuần tra vào ban đêm nên không phát hiện và chữa cháy kịp thời.
Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của lực lượng PCCC cơ sở trong việc tham gia cứu chữa các vụ cháy, nổ xảy ra; thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, DN tổ chức thành lập và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC tại cơ sở, cũng như tăng cường đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện PCCC cho lực lượng này.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng đã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về PCCC, tổ chức các lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở; tăng cường phối hợp tổ chức thực tập các phương án chữa cháy, CNCH nhằm nâng cao khả năng xử lý tình huống khi có cháy, nổ xảy ra. Tổ chức nhân rộng mô hình cụm DN an toàn PCCC tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các DN trong công tác PCCC. Đến nay, toàn tỉnh đã có 8 cụm DN an toàn PCCC trong các khu công nghiệp với 54 DN tham gia.
Ông Trần Thanh Dũng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Nhơn Hòa (đơn vị chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nhơn Hòa), cho biết: Khu công nghiệp Nhơn Hòa đã có 36 DN hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó có nhiều nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến dăm gỗ, trong quá trình sản xuất có nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao. Để đảm bảo công tác PCCC&CNCH, thực hiện quy chế phối hợp giữa khu công nghiệp với CA tỉnh, công tác tập huấn, nâng cao nghiệp vụ PCCC cho lực lượng tại chỗ, nhất là trong mùa hanh khô luôn được quan tâm thường xuyên. Từ đó, phát huy tác dụng phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời phát hiện các vụ cháy ngay từ khi mới phát sinh nên triển khai chữa cháy kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, nhà máy chế biến thức ăn gia súc thuộc Công ty CP Chăn nuôi C.P là đơn vị thực hiện tốt công tác PCCC theo phương châm “4 tại chỗ”. Ông Phạm Tấn Trường - phụ trách an toàn PCCC của nhà máy, cho hay: “Ngay khi nhà máy đi vào hoạt động năm 2013, công tác PCCC được lãnh đạo Công ty đặc biệt quan tâm. Hiện, nhà máy có đội PCCC tại chỗ gồm 50 người chia theo ca trực 24/24 giờ hằng ngày. Các phương tiện, thiết bị bảo hộ, PCCC được trang bị khá đầy đủ, đảm bảo tham gia chữa cháy ngay khi phát hiện có sự cố cháy, nổ”.
NGUYỄN HÂN