Chợ Gò Chàm và kẻ sĩ Bình Định
Chợ Gò Chàm xưa thuộc tổng An Ngãi, huyện Tuy Viễn (ngày nay thuộc phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn), cách trung tâm thị xã An Nhơn khoảng hơn 1km về phía Bắc. Địa điểm chợ tọa lạc là một khu gò đất, rộng chừng 2 ha, phía Bắc giáp sông Gò Chàm, phía Tây giáp quốc lộ.
Theo tác giả Kiều Lam, Gò Chàm là một địa danh, đúng ra phải là chợ Cầu Chàm, vì trụ băng đặt ngay trước chợ cũ khắc rõ 3 chữ “Lam Kiều Thị”, và giấy tờ sổ bộ ở khu vực này được ghi là “Lam Kiều xứ”. Trong Đại Nam nhất thống chí, mục thống kê chợ của huyện An Nhơn cũng được chép là “Lam Kiều”. Năm 1940 (có ý kiến năm 1936), chợ Gò Chàm dời vào phía Đông thành Bình Định, với tên gọi mới là chợ Bình Định, nhưng người dân theo thói quen vẫn gọi là chợ Gò Chàm, chợ được nhóm một tháng sáu phiên, cách năm ngày một phiên, vào các ngày mùng 3, mùng 8, 13, 18, 23, 28, những phiên giáp tết (23, 28 tháng Chạp) chợ nhóm cả ngày lẫn đêm, và là một trong những chợ lớn nhất của miền Trung lúc bấy giờ.
Năm 1885, cùng với nhân dân các tỉnh Trung Kỳ, nhân dân Bình Định sôi nổi hưởng ứng phong trào Cần Vương và đã trở thành lực lượng quyết định cục diện chiến sự ở khu vực Nam - Trung bộ. Năm 1887, thực dân Pháp và chính quyền tay sai Nam triều đã tiến hành những cuộc đàn áp đẫm máu đối với phong trào Cần Vương Bình Định. Theo tài liệu của Pháp để lại, có 27 người đã bị xử trảm trong tháng 6.1887, trong đó có vài người là thủ lĩnh trọng yếu của phong trào Cần Vương Bình Định - Phú Yên. Chợ Gò Chàm lúc bấy giờ trở thành pháp trường của thực dân Pháp và tay sai Nam triều xử chém thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng và nhiều nghĩa sĩ Cần Vương Bình Định - Phú Yên, cũng chính nơi đây, “kẻ sĩ” Bình Định đã lưu lại dấu ấn sâu đậm cho hậu thế. Đó là hai bài thơ bất hủ của Mai nguyên soái: “Chết nào có sợ chết như chơi”, “Không tính làm chi việc mất còn” và bài thơ “cứu mạng” của Tán lý quân vụ nghĩa quân Cần Vương - cử nhân Bùi Tuyển.
Khi Mai Xuân Thưởng cùng các đồng chí khác bị bắt giam ở nhà lao thành Bình Định rồi giải ra pháp trường chợ Gò Chàm, đầu sắp rơi, ông vẫn khí phách hiên ngang đọc thơ:
Chết nào có sợ chết như chơi
Chết bởi vì dân chết bởi thời
Chết hiếu chi nài xương thịt nát
Chết trung bao quản cổ đầu rơi
Chết nhân tiếng để vang ngàn thuở
Chết nghĩa bia thơm rạng mấy đời
Thà chịu chết vinh hơn sống nhục
Cụ Bùi Tuyển (1861-1914) người làng Bả Canh, tổng An Ngãi (phường Đập Đá ngày nay) đậu Á nguyên cử nhân khoa Nhâm Ngọ (1882) năm Tự Đức thứ 35 tại trường thi Bình Định, do Tam nguyên Yên đỗ - Nguyễn Khuyến (đang là Án sát tỉnh Quảng Ngãi) làm chánh chủ khảo. Năm 1885, cụ cử Bùi Tuyển tham gia phong trào Cần Vương được Nguyên soái Mai Xuân Thưởng trao giữ chức Tán lý quân vụ hoạt động vùng An Nhơn. Trong trận ông cùng Đốc binh Nguyễn Can chỉ huy cánh nghĩa quân ngăn quân Trần Bá Lộc tại An Ngãi rồi Cẩm Văn, bị thất trận, quân địch truy kích, ông bị bắt giải về giam ở thành Bình Định cùng 12 nghĩa quân, rồi bị kết án tử hình, chuẩn bị xử chém tại chợ Gò Chàm.
Trần Bá Lộc cho trói tay, bịt mắt Bùi công và 12 nghĩa quân cột vào các cọc đóng sẵn chờ đến giờ hành quyết. Ngồi hàng ghế giám sát lúc bấy giờ, ngoài Trần Bá Lộc còn có Phạm Phú Lâm (dòng dõi khoa bảng Phạm Phú Thứ, Quảng Nam) từng biết tên tuổi cụ Bùi Tuyển được vua Tự Đức khen ngợi, nên ông đề nghị với Trần Bá Lộc cho thử tài và chiếu cố.
Trần Bá Lộc lệnh cởi trói cho Bùi công và đưa đến gặp các quan giám sát thi hành án. Trần Bá Lộc nói: ngày trước ông từng được tiên đế khen, nên nay tuy phạm tội còn có điều châm chước. Vậy ông hãy làm một bài thơ tám câu bảy chữ, đứng đầu mỗi câu có các chữ: Bình Định Tuy Viễn An Ngãi Bả Canh, là những chữ thuộc địa danh quê hương ông, trong thời gian cháy hết điếu thuốc ta hút, nếu làm không xong thì tội chết vẫn giữ nguyên.
Điếu thuốc của Trần Bá Lộc đang hút mới cháy hơn một nửa, bài thơ ứng khẩu của cử cụ Bùi Tuyển đã xong.
Bình tích tao phùng cái hữu duyên
Định tùng gia ngẫu nhận chơn thuyên
Tuy tuy hồ ẩn Tượng sơn ngoại
Viễn viễn hồng phi Ngưu chử biên
An lạc vị châu tam thuộc địa
Ngãi tâm do đới cửu trùng thiên
Bả khan đương thế anh hùng cuộc
Canh điếu tranh cao đài các tiên.
Một bài thơ hay ra đời trong bối cảnh lịch sử cực kỳ khắc nghiệt, các quan giám sát thi hành án đều thán phục. Nhờ Phạm Phú Lâm nói vào, Trần Bá Lộc quyết định tha chết cho cụ Bùi Tuyển.
Địa danh chợ Gò Chàm đã đi vào trang sử đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc. Hiện nay, Ban quản lý di tích tỉnh Bình Định phối hợp với Phòng VH-TT thị xã An Nhơn, UBND phường Nhơn Hưng xây dựng hồ sơ di tích lịch sử chợ Gò Chàm - nơi xử chém nghĩa quân Cần Vương năm 1887. Đây sẽ là điểm tham quan giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ.
Nguyễn Thanh Quang