Chủ trương cần thay đổi kịp thời, phù hợp với thực tiễn
Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) huyện Phù Mỹ đang “đau đầu” trong việc giải quyết tình trạng nhiều hộ dân nhận khoán tự ý chuyển đổi cây trồng đối với nhiều diện tích rừng trồng phòng hộ trên địa bàn huyện. Bởi việc làm này chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, nhưng lại phù hợp với điều kiện sản xuất, canh tác của người dân.
Cụ thể, đầu những năm 2000, thực hiện chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc, Nhà nước đầu tư kinh phí trồng hỗn giao cây điều và cây keo lá tràm tại một số xã trên địa bàn huyện Phù Mỹ, tổng diện tích hơn 100 ha. Diện tích rừng này do Ban QLRPH huyện Phù Mỹ quản lý. Các hộ dân nhận khoán chăm sóc và được hưởng lợi 85% giá trị sản phẩm sau khai thác, thu hoạch; 15% còn lại hộ nhận khoán nộp cho Nhà nước.
Thế nhưng, do cây điều và cây keo lá tràm không đạt hiệu quả kinh tế nên đầu những năm 2010, nhiều hộ nhận khoán tự chuyển qua trồng cây keo lai. Lúc đó, Ban QLRPH huyện Phù Mỹ có văn bản xin chủ trương của huyện, tỉnh về việc này. Tuy nhiên, cấp thẩm quyền của tỉnh chưa cho chủ trương, còn Ban QLRPH huyện Phù Mỹ “ngó lơ” cho việc làm của các hộ nhận khoán. Đến tháng 8.2021, các ngành chức năng của huyện Phù Mỹ mới phát hiện việc nhiều hộ nhận khoán tự chuyển đổi cây trồng với diện tích hơn 70 ha.
Tuy các hộ nhận khoán “làm chui”, nhưng thực tế hơn 10 năm nay, diện tích cây keo lai người dân tự chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với rừng trồng hỗn giao cây điều và cây keo lá tràm. Ngoài ra, các hộ nhận khoán chỉ chuyển đổi cây trồng; còn quá trình trồng, chăm sóc, khai thác cây đều thực hiện theo đúng các quy định đối với rừng trồng phòng hộ.
Ông Nguyễn Văn Tố, Phó Giám đốc Ban QLRPH huyện Phù Mỹ, trần tình: “Chúng tôi thiếu sót ở chỗ không kiên quyết ngăn chặn việc các hộ nhận khoán trồng rừng chuyển đổi cây trồng khi chưa có chủ trương của cấp trên. Nhưng thực tế nhiều năm nay, diện tích các hộ tự chuyển đổi luôn được quản lý, bảo vệ tốt. Đặc biệt, hiệu quả kinh tế mang lại cho hộ nhận khoán cao hơn nhiều so với giữ nguyên rừng trồng hỗn giao cây điều và cây keo lá tràm. Khi hộ nhận khoán được bảo đảm về lợi ích kinh tế thì trách nhiệm của họ trong quản lý, chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng trồng phòng hộ cũng cao hơn”.
Điều này đặt ra vấn đề, các cơ quan có thẩm quyền cần linh động ban hành các chủ trương phù hợp với điều kiện thực tế canh tác, sản xuất tại từng vùng, từng địa phương. Có vậy mới mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, tăng nguồn thu cho Nhà nước; vừa bảo đảm công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
MINH NHÂN