Tây Sơn: Bưởi da xanh bén rễ đất đồi
Nhận thấy cây bưởi có nhiều ưu điểm, giá cả và đầu ra ổn định, năm 2019, được sự hỗ trợ, khuyến khích của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tây Sơn, ông Huỳnh Công Lực, ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú quyết định trồng 400 gốc bưởi da xanh trên khu đất đồi rộng 1 ha của gia đình.
Ông Lực với vườn bưởi xanh tươi của mình. Ảnh: H.M.N
Ông Lực vừa làm vừa học bởi đây là loại cây trồng còn khá mới ở Tây Sơn. Ông bộc bạch: Bưởi là giống cây nắng quá cũng chết, mà mưa quá cũng không sống nổi. Mình vừa làm vừa tự rút kinh nghiệm trên nền tảng kiến thức chung. Kỹ thuật trồng và chăm sóc thì có hết đấy, nhưng đưa cả khối kiến thức ấy vào thực tế không đơn giản. Cũng là chân đất trung du nhưng ở Hoài Ân sẽ khác với Tây Sơn. Nhưng điều mà tôi chắc chắn là nếu bà con Hoài Ân làm tốt thì nếu mình kiên trì chịu học cũng sẽ làm được.
Sau mấy năm ròng rã vừa làm vừa mày mò học hỏi thêm, đến nay ông Lực đã làm chủ kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh ở chân đất đồi Tây Sơn. Ông tâm sự: “Ngay cả khi bão tố chuẩn bị quét qua vườn bưởi, nhiều người khuyên tôi thu hoạch non, được đồng nào hay đồng nấy, nhưng tôi vẫn kiên quyết bám trụ cho đến cùng, người còn của còn. Bão qua, thấy vườn bưởi dần hồi phục tôi vui lắm!”. Ông Lực dự kiến sẽ thu hoạch lứa bưởi đầu tiên vào tháng 5 tới.
Theo ông Lực, nếu chăm sóc tốt, mỗi năm có thể thu hoạch 2 vụ bưởi, vào tháng 5 và tết Nguyên đán. Hỏi ông vốn đâu để theo đuổi loại cây trồng mà tới 4 năm mới bắt đầu thu hoạch rộ này, ông cười: Tôi tận dụng đất trống giữa các hàng bưởi trồng thêm sả, bán với giá bình quân 8.000 đồng/kg, mỗi năm thu nhập 200 triệu đồng, vốn nuôi cây bưởi ở đó chứ ở đâu.
Hiện ông Lực đang tìm cách lai ghép để tạo ra những cây bưởi có khả năng thích nghi tối đa với điều kiện của địa phương, đây là nền tảng để cây bưởi nâng cao khả năng kháng bệnh, phát triển tốt nhất.
HỒ MINH NHẬT