Dạy học mùa dịch: Linh hoạt giải pháp “2 trong 1”
Trong tình huống dịch Covid-19 vẫn đang lan rộng, gia tăng ở nhiều địa phương, việc nhà trường phải thích ứng với nhiều hình thức dạy học có thể sẽ kéo dài chứ không phải giải pháp tạm thời trong vài tuần. Thích ứng và không để học sinh rơi vào thế bối rối, lo lắng là yêu cầu đặt ra cho tất cả các trường.
Lớp học “2 trong 1”
Sáng 14.3, lớp 5C của Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn, huyện Tuy Phước chỉ có 30 học sinh học trực tiếp, 6 học sinh khác phải theo dõi bài học trực tuyến qua camera, do các em đang thuộc diện phải theo dõi sức khỏe tại nhà. Một tiết học vừa trực tuyến vừa trực tiếp như thế này, cô giáo chủ nhiệm lớp 5C Đỗ Giang Vũ vất vả hơn, khi vừa quản lý học sinh học trực tiếp vừa quản lý học sinh học trực tuyến.
Cô Vũ cho hay, Phước Sơn là “vùng đỏ” từ ngày 7.3, theo đó trường chỉ tiến hành dạy học trực tiếp với khối 4, 5. Tuy nhiên, do tình hình dịch phức tạp, số học sinh F0 tại các lớp 4, 5 chiếm tỷ lệ khá cao. Thời gian các em F0 nghỉ điều trị và cách ly tại nhà kéo dài dẫn đến việc học sinh khó theo đủ chương trình học tập. Trước tình hình đó, trường đã lắp 6 camera tại các lớp phục vụ cho việc học tập của học sinh F0. Các em có thể học tập cùng thời gian diễn ra trên lớp, vẫn có thể tham gia xây dựng phát biểu bài, đảm bảo theo kịp tiến độ học. Điều này vừa tiết kiệm thời gian và công sức của giáo viên khi không phải dạy hai lần cho một bài học, vừa trực tiếp trên lớp vừa trực tuyến ở nhà với học sinh F0, vẫn đảm bảo chất lượng giảng dạy đồng đều cho học sinh.
Bước đầu giáo viên tại Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn áp dụng giảng dạy theo cách “on - off” này khá thuận lợi, song song cùng lúc có thể dạy tất cả học sinh đang ở nhà và lớp học. Từ 2 thiết bị trang bị cho 2 khối lớp 4, 5, đến thời điểm này trường bổ sung thêm 4 thiết bị nữa trang bị cho các phòng chức năng (tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật). Toàn bộ chi phí trường vận động các nhà hảo tâm ủng hộ.
Lớp học “2 trong 1” tại Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Ảnh: MAI HOÀNG
“Tình hình dịch khá phức tạp, nếu không tổ chức lớp học “2 trong 1” kết hợp như thế này thì học sinh F0, F1 sẽ không nắm được kiến thức của bài học theo tiến độ chương trình, các em sẽ bị thiệt thòi. Trường chọn những lớp có số học sinh nghỉ nhiều hơn thì đưa vào giảng dạy. Còn số học sinh của các lớp còn lại sẽ tham gia học cùng với lớp mà nhà trường phân công”, ông Giả Tấn Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn, cho hay.
Hiện, nhiều địa phương, trường học cũng tính đến phương án dạy học “2 trong 1” này. Bà Hoàng Ngọc Tố Nương, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước cho hay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện nên từ tháng 2.2022 đến nay chúng tôi điều chỉnh phương án dạy và học linh hoạt liên tục. Phòng GD&ĐT huyện đang lên kế hoạch, xin chủ trương để triển khai thực hiện việc trang bị phòng học “2 trong 1”. Trước mắt chưa thể bố trí đầy đủ kinh phí thì trang bị trước cho khối trường THCS.
Ông Nguyễn Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 An Nhơn, cho biết số ca F0 tăng nhanh, trường tổ chức vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy trực tuyến. Trường có 8/26 lớp đang phải học trực tuyến do số lượng F0 và theo dõi y tế trên 2/3 số học sinh. “Trong một lớp, những học sinh có tiếp xúc với F0 và có nguy cơ ở nhà theo dõi sức khỏe thì chúng tôi bố trí gộp cho các em vào link học trực tuyến của lớp ở cùng khối. Nhưng cái khó là cả giáo viên thành F0 cũng nhiều, trường phải bố trí dạy thay, nhiều khi không đủ giáo viên. Còn phía học sinh, mặc dù trường rất cố gắng để gửi bài, hỗ trợ cho các em nắm đầy đủ lượng kiến thức dù ở nhà nhưng rõ ràng vẫn bị ảnh hưởng lớn. Chúng tôi đang tính toán khoản kinh phí để trang bị xây dựng phòng học trực tuyến và phòng học trực tiếp dạy “2 trong 1” cho học sinh”, ông Lộc nói.
Tìm giải pháp thích ứng
Số học sinh, giáo viên nhiễm Covid-19 liên tục tăng khiến mọi hoạt động bị xáo trộn. Ban giám hiệu nhiều trường phải liên tục xử lý các ca F0 và chuyển đổi phương thức dạy học cho các lớp. Khổ nhất là tình trạng giáo viên nhiễm Covid-19 và không thể giảng dạy. Trường phải bố trí cho các giáo viên khác “gánh”, sắp xếp lại thời khóa biểu cho giáo viên bộ môn…
Ông Đỗ Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân cho hay, nhiều giáo viên nghỉ do Covid-19, trường phân công giáo viên khác cùng gồng gánh, nhưng rất khó nếu cứ kéo dài. Mỗi giáo viên phải dạy khoảng 20 tiết/tuần, nếu gánh thêm 20 tiết/tuần nữa thì không xuể. Trường có 59 cán bộ, giáo viên thì hiện 14 người phải nghỉ theo dõi sức khỏe. Xót học trò phải bỏ bài, một số giáo viên nghỉ theo dõi sức khỏe cũng xung phong dạy trực tuyến.
Theo ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT, Sở đã chỉ đạo phòng GD&ĐT của các huyện, thị xã, thành phố, các trường THPT và trực thuộc tiếp tục duy trì việc dạy học linh hoạt theo từng cấp độ dịch. Việc dạy học trực tuyến chỉ tiến hành ở một số lớp có đông học sinh diện nghi nhiễm Covid-19. Tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, số ca nhiễm Covid-19 trong ngày (kể cả giáo viên và học sinh) tăng nên một số trường còn bị động trong chuyển đổi trạng thái dạy và học. Số lượng phòng học dạy trực tuyến của các trường không nhiều nên khi phải tổ chức vừa dạy trực tiếp cho học sinh tại lớp, vừa dạy học trực tuyến cho học sinh bị cách ly y tế gặp khó khăn. Một bộ phận phụ huynh lo sợ con em nhiễm Covid-19 nên không muốn cho con em đến trường.
Thời gian tới, các cơ sở giáo dục tiếp tục duy trì việc dạy học linh hoạt theo từng cấp độ dịch. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT xây dựng, triển khai các giải pháp đặc thù từng cấp học. Đối với cấp tiểu học, các trường tiếp tục phối hợp với gia đình học sinh nắm bắt, theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh để có biện pháp xử lý kịp thời. Với cấp THCS, THPT, tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp; việc dạy học trực tuyến chỉ tiến hành ở một số lớp có đông học sinh thuộc diện nghi nhiễm Covid-19. Tiếp tục bố trí nguồn kinh phí hợp lý xây dựng các phòng học trực tuyến. Tổ chức linh hoạt hoạt động dạy học, nhanh chóng chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến, nhất là học sinh tiểu học và lớp 6 (đối tượng chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19).
MAI HOÀNG