Anh nông dân tạo giống gà lai
Dám nghĩ, dám làm, biết vượt khó, anh Võ Hoàng Sơn (SN 1977, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) đã thành công với mô hình nuôi gà ta lai nòi.
Anh Sơn chia sẻ: Gà nòi Bình Định nổi tiếng có chất lượng thịt thơm ngon, săn chắc, nhiều nạc, ít mỡ, được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng. Nhiều năm trước, gia đình tôi nuôi gà nòi theo cách chăn thả tự nhiên, ít chăm sóc nên năng suất thấp vì giống gà này có tốc độ sinh trưởng chậm. Vì thế, tôi đã đi nhiều nơi tìm tòi, học hỏi đủ cách để cải thiện năng suất. Cuối cùng, tôi chọn cách lai tạo gà nòi với giống gà Lương Phượng - giống gà cho năng suất, chất lượng thịt, trứng cao.
Anh Sơn sử dụng gà mái Lương Phượng thuần chủng lai tạo với gà trống nòi Bình Định với tỷ lệ 1 trống 8 mái, nhằm tạo ra giống gà lai F1 có 50% máu Lương Phượng, 50% máu lai nòi. Sản lượng trứng mỗi mái F1 cung cấp trung bình từ 160 - 175 quả/năm. Từ mái F1, anh Sơn tiếp tục lai tạo với gà trống nòi Bình Định cũng với tỷ lệ 1 trống 8 mái, tạo ra giống gà F2 thương phẩm. Trung bình mỗi con gà F2 anh nuôi từ 80 - 90 ngày thì xuất chuồng, đạt trọng lượng bình quân cả đàn từ 1,8 - 2 kg/con (gà nòi truyền thống tầm 1,4 kg/con).
Anh Sơn cho biết: Tôi nhập gà giống từ trại giống của Viện Chăn nuôi (Hà Nội) để lai tạo ra gà giống bố mẹ F1. Vì F1 là con lai giữa gà nòi Bình Định và gà mái Lương Phượng, chúng thừa hưởng những ưu điểm nổi trội của bố mẹ. Đó là khả năng sinh trưởng, độ đồng đều và sức đề kháng cao. Người chăn nuôi thích chọn giống gà này để gầy đàn vì lớn nhanh, giá đầu ra ổn định. Còn người tiêu dùng ưa chuộng vì chất lượng thịt thơm ngon.
Từ chỗ nuôi nhỏ lẻ, anh Sơn đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất lên 2.000 m2, nhập các thiết bị chuyên dùng, máy ấp nở từ nước ngoài để nâng cao công suất. Anh Sơn cho hay, có thời điểm cơ sở của anh ấp nở khoảng 2.500 con/ngày, cứ 4 ngày là ra một mẻ trứng khoảng 10.000 con. Gà giống của anh cung cấp cho nhiều thị trường cả trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, riêng bán gà giống mỗi năm anh thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Ngoài cơ sở sản xuất gà giống tại nhà, anh Sơn còn liên kết chăn nuôi gà gia công với các hộ nông dân trong vùng, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế từ nghề chăn nuôi gia cầm tại địa phương. Bà Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Nghĩa, nhận xét: “Thành công của anh Sơn một phần là nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Sản phẩm gà giống của anh Sơn đã được cấp chứng nhận Sản phẩm nông dân đảm bảo an toàn thực phẩm tôn vinh năm 2019. Hiện xã đang hỗ trợ anh làm hồ sơ và đăng ký sản phẩm OCOP; đồng thời, đề xuất công nhận hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Anh Sơn còn là người nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội địa phương, trong đó có việc hỗ trợ con giống cho các hộ nghèo trong xã phát triển kinh tế. Hiện anh cũng đang đầu tư xây dựng 2 nhà nuôi chim yến và phát triển một cơ sở may gia công, giúp hỗ trợ việc làm cho lao động địa phương”.
KHÁNH LINH