Công tác cải cách tư pháp: Tập trung khắc phục hạn chế, “điểm nghẽn”
Dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, công tác cải cách tư pháp tới đây cần tập trung quyết liệt khắc phục những hạn chế, tồn tại qua nhiều năm, nhất là lượng án tồn đọng, phức tạp, kéo dài cần thi hành dứt điểm.
Nhận diện “điểm nghẽn”
Một trong những tồn tại, hạn chế nổi bật trong công tác cải cách tư pháp (CCTP) là tỷ lệ giải quyết, xét xử án dân sự, hành chính chưa đạt được kết quả cao; vẫn còn để xảy ra nhiều án hủy, sửa, án quá hạn do nguyên nhân chủ quan; một số vụ việc giải quyết kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.
Cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp. - Trong ảnh: Viện KSND tỉnh tổ chức Hội thảo chuyên đề “Về phòng, chống tội mua bán người” thông qua phiên tòa giả định kết nối trực tuyến với nhiều điểm cầu. Ảnh: K.T
Theo Chánh án TAND tỉnh Lê Văn Thường, nguyên nhân khiến lượng án dân sự, hành chính được giải quyết không đạt yêu cầu phần lớn do khách quan trước tình hình dịch Covid-19, không thể tổ chức xét xử được. “Cũng có tình trạng người dân né tránh việc ra tòa, lấy cớ ngại dịch để trì hoãn. Như tháng vừa qua, Tòa đã lên lịch xử 150 vụ nhưng chỉ xử được 20 - 30 vụ”, ông Thường nói.
Ông Thường nhấn mạnh, tranh chấp đất đai chiếm nhiều nhất trong các vụ án dân sự. Đây cũng là loại án Tòa rất khó khăn trong quá trình thu thập hồ sơ, chứng cứ bởi sự phối hợp chưa tốt của các cơ quan liên quan. UBND các cấp là đơn vị tham gia trong quá trình tố tụng, theo quy định trong thời hạn 10 ngày kể từ khi Tòa ra thông báo thụ lý phải có ý kiến trả lời và cung cấp tài liệu chứng cứ. Tuy nhiên, có những vụ án đến nay đã thụ lý 3 - 4 tháng, Tòa nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn không trả lời.
Còn Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, kết quả THADS, hành chính tuy đạt song chưa bền vững và tồn tại nhiều vướng mắc, nhất là xung quanh vấn đề thu hồi các tài sản tham nhũng. Các vụ án ở tỉnh tuy không lớn nhưng nhiều vụ rơi vào trường hợp không có điều kiện thi hành (bị cáo không có tài sản để thu hồi). Bên cạnh đó, nhiều vụ có điều kiện thi hành nhưng quá trình xử lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ở góc độ khác, theo ông Lê Văn Toàn - Giám đốc Sở Tư pháp, trong công tác tư pháp và CCTP còn một bất cập: Khó khăn trong thu hồi các chức danh tư pháp (luật sư, công chứng…) do vướng quy định, làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động. Cụ thể, các chức danh tư pháp này do Bộ Tư pháp bổ nhiệm, có giá trị gần như vĩnh viễn, nếu quá trình hoạt động không vi phạm gì thì không thể thu hồi; trong khi trên thực tế nhiều người lớn tuổi, đau bệnh, làm việc kém hiệu quả nhưng nếu không tự nguyện nghỉ thì cũng rất khó để thu hồi. Ông Toàn đề nghị Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh có ý kiến với Bộ Tư pháp, các cơ quan Trung ương liên quan để sớm nghiên cứu, khắc phục bất cập này.
Không để dây dưa, phát sinh kiện tụng
Tại cuộc họp đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác CCTP năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 (tổ chức ngày 11.3), Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác CCTP, cần tập trung triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 14-KH/ TU ngày 29.11.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 84-KLTW của Bộ Chính trị và Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ án, vụ việc, trọng tâm là giải quyết án dân sự, hành chính.
Đây là kế hoạch rất cụ thể về nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, yêu cầu; từng cấp, từng ngành phải có kế hoạch cụ thể hơn nữa, sát hơn nữa để tổ chức thực hiện hiệu quả trong thực tế.
Dẫn chứng, phân tích một số vụ việc cụ thể có hiện tượng đương sự/bị cáo cố tình “cù nhầy” khiến dây dưa, kéo dài, tồn đọng nhiều năm, phát sinh đơn thư, kiện tụng, đồng chí Hồ Quốc Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng có biện pháp xử lý dứt điểm, quyết tâm thi hành án để thu hồi tài sản trả nợ cho ngân hàng và bàn giao cho Nhà nước. Trong đó, đáng chú ý là phải tập trung chỉ đạo thi hành dứt điểm vụ việc liên quan đến Công ty CP xây dựng Tân Huy Phong, thi hành bản án giao tài sản cho bà Phạm Thị Thu Hiền (huyện Tây Sơn).
Cùng với đó, cần chú trọng các công việc liên quan đến cải cách hành chính, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp. “Bên cạnh làm tốt các nhiệm vụ thường xuyên, cần tập trung, nghiêm túc thực hiện những việc mới liên quan đến công tác cải cách hành chính trong từng ngành, đơn vị. Đồng thời, tiếp tục tập trung cho công tác củng cố tổ chức bộ máy; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo phục vụ cho chuyển đổi số”, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý.
KHẢI THƯ