BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÙNG VEN BIỂN:
Có chuyển biến, nhưng chưa hết “điểm trừ”
Một số địa phương ven biển đã có chuyển biến đáng kể trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là trong giai đoạn phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nỗi lo khi một bộ phận người dân vẫn chưa có ý thức bảo vệ môi trường sống.
Chiều 13.3, khu vực bãi Bấc (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) có rất nhiều rác. Hỏi chuyện một người dân lớn tuổi ở địa phương, ông cho biết: Rác do một số người dân lén lút đổ ra bãi biển vào sáng sớm hoặc đêm khuya, chứ không dám công khai vào ban ngày như trước đây, vì sẽ bị xử phạt. Dù xã, thôn đã tuyên truyền, nhắc nhở về việc này, thường xuyên tổ chức dọn dẹp làm sạch bãi biển, nhưng những người vô ý thức vẫn tái diễn hành vi xả rác bừa bãi. Bãi Bấc vốn sạch đẹp, nhưng cứ sau một số ngày lại bị làm dơ bẩn...
Đáng nói hơn, chúng tôi còn thấy một cống nhỏ thoát nước ra bãi biển, đi đến gần dù bịt khẩu trang vẫn nghe mùi hôi từ dòng nước đen chảy ra từ cống. Tình trạng này ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, vệ sinh môi trường của khu dân cư nói riêng và xã Nhơn Lý nói chung, nhất là khu vực này vào mùa du lịch có đông du khách tập trung đi ca nô tham quan biển, đảo; lại có tuyến đường dọc bờ kè thôn Lý Hưng, Lý Lương với khá nhiều khách sạn, homestay, nhà hàng... Hình ảnh xấu lại ở ngay “mặt tiền” của một khu dân cư được tỉnh, TP Quy Nhơn chọn là “mô hình điểm” đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.
Rời xã Nhơn Lý, chúng tôi tiếp tục đến một số xã, thị trấn ven biển của huyện Phù Cát, nơi tuyến đường ven biển hứa hẹn đem đến những đổi thay tích cực, nhất là khai thác, phát huy tiềm năng du lịch biển. Đi qua một số đường nội bộ trong khu dân cư nằm sát cạnh bãi biển ở khu phố Trung Lương (thị trấn Cát Tiến), việc giữ gìn vệ sinh môi trường khá tốt. Các bãi biển ở đây còn nguyên sơ, ít thấy rác do người dân đổ ra.
Nhiều tuyến đường trong khu dân cư ở Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) sạch đẹp. Ảnh: M.T
Thời điểm này, có một số du khách đến tắm bãi biển Trung Lương. “Gia đình tôi đến tham quan khu thiền viện Thiên Hưng, nghe nói Trung Lương còn có bãi biển sạch đẹp nên tìm đến tắm, thấy hài lòng. Từng đi du lịch khá nhiều nơi trong nước, tôi thấy nơi nào chính quyền địa phương chưa quan tâm, người dân thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung thì sẽ có cảnh nhếch nhác, xả rác ra bãi biển, biến “điểm cộng” thành “điểm trừ” trong mắt du khách. Bãi biển Trung Lương nói riêng và các bãi biển ở Bình Định nói chung còn nguyên sơ, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nên hết sức lưu ý vấn đề này”, ông Nguyễn Văn Khải (54 tuổi, du khách ở Hà Nội) chia sẻ.
Đến khu vực bãi biển đối diện Đền thờ Nguyễn Trung Trực (thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát), dễ thấy vệ sinh môi trường nơi đây được giữ gìn khá tốt, thu hút nhiều người đến vui chơi, tắm biển. Theo những người làm dịch vụ giữ xe, tắm nước ngọt, giải khát ở nơi đây cho biết, họ chủ động dọn dẹp rác ngoài biển vào cuối mỗi buổi chiều khi khách về hết, bởi “bãi biển có sạch đẹp thì khách mới đến, mình mới có việc làm, tạo thu nhập”. Từ khi có Đền thờ Nguyễn Trung Trực, người dân địa phương cũng có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh, không làm xấu khu vực mặt tiền bãi biển trước Đền thờ.
Tương tự, chúng tôi đến khu vực có một nhà hàng, quán ăn bán hải sản ngay sát khu vực bãi biển Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát; một trong những địa phương sẽ được hưởng lợi nhiều về việc thu hút du khách khi giao thông thuận lợi hơn), bất ngờ trước sự sạch đẹp của bãi biển nơi đây. Các chủ quán cho biết, họ chủ động dọn dẹp rác bãi biển trước hết để khách đến ngồi ăn ngắm cảnh cũng thấy ngon miệng hơn, có xuống tắm biển cũng thêm ấn tượng đẹp.
Đi sâu vào một số khu dân cư ở Đề Gi, trên các tuyến đường nội bộ khá sạch đẹp, người dân bỏ rác vào bao, thùng đặt ở trước nhà, cho biết mỗi tuần 2 lần có dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt chuyển về xử lý tại bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung của huyện Phù Cát.
MAI THƯ