DỰ ÁN ĐƯỜNG CAO TỐC BẮC - NAM PHÍA ĐÔNG TẠI BÌNH ĐỊNH:
Đảm bảo cắm mốc lộ giới, giải phóng mặt bằng đúng tiến độ
Hiện nay, cùng với các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, các sở, ngành, địa phương đang ráo riết chuẩn bị triển khai Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn đi qua Bình Định.
Đây là dự án lớn được Quốc hội, Chính phủ tập trung ý chí và quyết tâm cao để góp phần hoàn thiện trục giao thông huyết mạch của đất nước. Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Dự án), đoạn qua tỉnh Bình Định dài 118,8 km.
Theo báo cáo của Sở GTVT, về hướng tuyến cơ bản theo hướng tuyến đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11.1.2022. Tuy nhiên, Sở GTVT xin điều chỉnh cục bộ một số đoạn: Đoạn phía Nam sông Côn (thuộc địa bàn xã Nhơn Phúc và Nhơn Lộc, TX An Nhơn) dịch về phía Tây so với phương án ở Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi khoảng 600 m để tránh khu quy hoạch làng nghề rượu Bầu Đá Nhơn Lộc và di tích lịch sử khảo cổ cấp quốc gia Thành Cha. Điều chỉnh hướng tuyến qua địa bàn TX Hoài Nhơn đi về phía Tây của tuyến ĐT 638 nhằm hạn chế tác động, ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển KT-XH. Điều chỉnh một số đoạn khác, như đoạn qua hồ Thạch Khê (giáp ranh 2 huyện Hoài Ân, Phù Mỹ); đoạn vượt sông Côn thuộc xã Nhơn Phúc và đoạn qua khu vực núi Sơn Triều thuộc TX An Nhơn và huyện Tuy Phước.
Các địa phương phối hợp với Chủ đầu tư chuẩn bị tiến hành cắm cọc mốc Dự án. Ảnh: HẢI YẾN
Sau khi làm việc với các chủ đầu tư, Sở GTVT báo cáo UBND tỉnh về cơ bản thống nhất vị trí bố trí hướng tuyến, 7 nút giao liên thông thuộc địa bàn các huyện: Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Tuy Phước và TX An Nhơn, TP Quy Nhơn. Về quy mô xây dựng các tuyến đường gom, đề nghị phía chủ đầu tư kiến nghị Bộ GTVT xây dựng với quy mô tối thiểu đạt cấp VI đồng bằng (TCVN 4054:2005), đảm bảo hai làn xe lưu thông, tránh ách tắc cục bộ và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân được thuận lợi an toàn.
Ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Chúng tôi đặc biệt đề nghị khẩn trương hoàn thiện và cung cấp đầy đủ hồ sơ tính toán thủy lực, thủy văn, tiêu thoát lũ cho địa phương. Trong đó, chủ đầu tư khảo sát tính toán phạm vi sa bồi, thủy phá của hạ lưu các công trình thoát nước; đồng thời tính toán phương án tiêu thoát lũ khi các hồ chứa nước xả tràn; nhằm mục tiêu ít ảnh hưởng nhất đến người dân; thời gian hoàn thành trước ngày 25.3.2022 để Sở NN&PTNT tham gia góp ý về phương án thoát nước, thoát lũ, chống ngập...
Từ đầu tháng 3 đến nay, UBND tỉnh liên tục mở nhiều cuộc họp đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các chủ đầu tư Dự án hoàn thành hồ sơ thiết kế cắm mốc giải phóng mặt bằng (GPMB). Đến thời điểm này, việc triển khai Dự án tại tỉnh cơ bản đang bám sát theo kế hoạch. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn lại của các sở, ngành, địa phương phải hoàn thành còn rất lớn. Cùng dự án này, nhiều dự án giao thông trọng điểm khác của tỉnh còn khó khăn, cần đẩy nhanh tiến độ. Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lưu ý: Các sở, ngành, địa phương cần tập trung vào cuộc với quyết tâm cao và trách nhiệm. Cán bộ liên quan làm việc ngày đêm, nếu gặp bất cứ khó khăn nào cần liên hệ cấp trên xin ý kiến giải quyết.
Bộ GTVT đã bàn giao phạm vi GPMB đợt 1 cho tỉnh ta. Theo đó, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ Dự án được nhấn mạnh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nền tảng cơ sở đảm bảo Dự án đi đúng tiến độ. Do đó, Bộ phối hợp chặt chẽ với tỉnh đảm bảo đến ngày 30.4.2022 sẽ hoàn thành việc cắm mốc lộ giới; trước ngày 20.11.2022 bàn giao 70% diện tích mặt bằng và trong quý II/2023 hoàn thành dứt điểm toàn bộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chỉ đạo, trên cơ sở hồ sơ đã được Bộ GTVT bàn giao, các địa phương gấp rút triển khai các việc liên quan để tiến hành GPMB. Đây là dự án đặc biệt đã được Chính phủ, Quốc hội cho áp dụng một số cơ chế đặc thù, cho phép triển khai đồng thời một số cách làm riêng trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở giai đoạn chuẩn bị dự án. Do đó, các sở, ngành, địa phương chủ động, linh hoạt, sáng tạo triển khai đề xuất các hạng mục mỏ vật liệu, bãi thải, khu tái định cư, các công trình phụ trợ phục vụ thi công...
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định có tổng chiều dài khoảng 118,8 km; chia làm 3 phân đoạn:
Phân đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, có điểm đầu tại cột mốc Km60+300 thuộc thôn An Hội Bắc, xã Hoài Sơn, TX Hoài Nhơn đi qua các xã: Hoài Sơn, Hoài Châu Bắc, Hoài Châu, Hoài Phú; các phường Hoài Hảo, Hoài Thanh Tây, Hoài Tân, Bồng Sơn; dài 27,7 km.
Phân đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn: Điểm đầu Km0+00 thuộc phường Bồng Sơn đến điểm cuối nút giao QL 19 ở phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn; dài 69 km.
Phân đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (tỉnh Phú Yên) điểm đầu tại Km0+00, giao cắt QL19 thuộc phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn đến điểm cuối tại Km67+100, giao cắt đường kết nối thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; dài 67,1 km; riêng phần thuộc tỉnh Bình Định dài 22,1km - tính từ đầu phân đoạn đến điểm kết nối với hầm xuyên qua đèo Cù Mông - đi qua TX An Nhơn, huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn.
HẢI YẾN