Không hoảng hốt, không chủ quan trước dịch Covid-19
Ngày 17.3, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh - chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo.
Tham gia cuộc họp có các đồng chí: Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Phi Long - Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các thành viên Ban Chỉ đạo.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: N.V.T
Tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp
Theo báo cáo của Sở Y tế, tính từ ngày 28.6.2021 đến 16.3.2022, toàn tỉnh phát hiện 92.591 ca mắc Covid-19 tại 11 huyện, thị xã, thành phố.
Tính riêng trong 7 ngày gần đây (từ 10 - 16.3), có 16.374 ca mắc mới (trung bình 2.339 ca/ngày); trong đó có 86,4% số ca phát hiện trong cộng đồng, 35,3% số ca là trẻ dưới 18 tuổi, 11,7% số ca là người trên 60 tuổi.
Trong 7 ngày qua, có 10.176 người khỏi bệnh; 15 ca tử vong (13 ca trên 60 tuổi, có bệnh nền nguy cơ cao; 1 ca trẻ 6 tuổi tiền sử bại não/đa dị tật bẩm sinh; 1 ca 52 tuổi tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường).
Tính đến nay, Bình Định đã tiếp nhận 2.962.226 liều vắc xin, đã sử dụng 2.903.499 liều.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho biết các bác sĩ cũng đã quen với việc chạy thận, mổ đẻ cho F0. Ảnh: N.V.T
Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, công tác điều trị cho người mắc Covid-19 được đảm bảo, chú trọng việc tổ chức điều trị các bệnh nhân nặng, có biến chứng để hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong.
“Việc thực hiện tốt công tác quản lý F0 tại nhà đã làm giảm áp lực cho các cơ sở y tế thu dung, điều trị bệnh nhân, bảo đảm tập trung kiểm soát các trường hợp nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và giảm thiểu các trường hợp tử vong do Covid-19. Tỷ lệ tử vong tại tỉnh là 0,3%, thấp hơn một nửa so với mức bình quân chung của cả nước. Đến nay, các bác sĩ cũng đã quen với việc chạy thận, mổ đẻ cho F0”, ông Hùng thông tin.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hiệu quả, đảm bảo an toàn, đúng đối tượng. Tỷ lệ tiêm chủng trong tỉnh ở mức cao; số người trên 18 tuổi được tiêm chủng đủ mũi vắc xin đạt 96,6%; số trẻ 12 - 17 tuổi tiêm ít nhất 1 mũi đạt 99% và tiêm đủ mũi đạt 96,3%.
Phụ huynh lo lắng, trẻ không được đến trường
Về tình hình dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19, theo số liệu thống kê ngày 16.3, chỉ có 28.655 trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non đến trường, chiếm tỷ lệ 50%.
Đối với cấp tiểu học, có 536 giáo viên, 5.070 học sinh là F0 đang điều trị. Số lượng tương ứng ở bậc THCS là 438 và 3.649; bậc THPT là 243 và 2.853.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn, một bộ phận phụ huynh lo sợ học sinh nhiễm Covid-19 nên không muốn cho con em đến trường. Ảnh: N.V.T
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, số ca nhiễm tăng nên một số trường còn bị động trong chuyển đổi trạng thái dạy và học. Số lượng phòng học dạy trực tuyến không nhiều, trong khi phải tổ chức vừa dạy trực tiếp cho học sinh tại lớp, vừa dạy trực tuyến cho học sinh bị cách ly y tế. Một bộ phận phụ huynh lo sợ học sinh nhiễm Covid-19 nên không muốn cho con em đến trường.
Thời gian tới, ông Tuấn cho biết sẽ tiếp tục thực hiện dạy và học đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19; đảm bảo công tác vệ sinh, khử khuẩn trong và ngoài lớp học. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cơ quan y tế trong việc phát hiện các trường hợp nghi ngờ và xử lý kịp thời. Tăng cường công tác tuyên truyền trong cha mẹ học sinh để các gia đình phối hợp đồng bộ với nhà trường trong chăm sóc sức khỏe con em, yên tâm đưa học sinh đến trường.
Dạy - học an toàn là hàng đầu
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, công tác phòng, chống dịch Covid-19 cần thực hiện linh hoạt, không cứng nhắc.
“Chúng ta đã mở cửa rồi, du khách nước ngoài cũng đã vào. Tuy số ca mắc tăng cao nhưng tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Bình Định rất thấp. Vấn đề cần quan tâm nhất bây giờ là giáo dục. Ở nhiều tỉnh, học trực tuyến cả năm xong, các em lớp 1 không biết đọc, không biết viết”, ông Long nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đưa ra yêu cầu phải bố trí lại phương án dạy học phù hợp tình hình thực tế. Ảnh: N.V.T
Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra yêu cầu phải bố trí lại phương án dạy học phù hợp tình hình thực tế. Đồng thời, triển khai test Covid-19 ngay tại trường học; Sở Y tế có hướng dẫn về nghiệp vụ để tránh lãng phí.
Trong khi đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn cho rằng, số liệu ca nhiễm Covid-19 hiện có là nắm được từ nguồn người dân khai báo, trên thực tế cao hơn nhiều. “Người dân tự bảo vệ, tự test kiểm tra, tự mua thuốc điều trị theo triệu chứng. Thậm chí, một số đơn vị có số người mắc nhiều thì tổ chức lại hoạt động, cho các F0 làm việc cùng ca trực, không khai báo. Trước tình hình hiện nay, chúng ta không hoảng hốt, phải hết sức bình tĩnh. Đây là giai đoạn phòng và ứng phó là chính”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy lưu ý.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn cho rằng, số ca nhiễm Covid-19 trên thực tế cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo. Ảnh: N.V.T
Trên cơ sở phân tích này, có 3 yêu cầu đặt ra: Tranh thủ nguồn vắc xin để tăng tốc độ bao phủ; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng dịch; chú trọng điều trị các ca bệnh nặng, hạn chế tử vong - đây là thước đo đánh giá kết quả phòng, chống dịch.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh cũng bày tỏ lo lắng về chất lượng dạy học khi áp dụng hình thức trực tuyến: “Nhiều phụ huynh rất bất an. Nói học trực tuyến "cho oai” thôi, chứ sao đảm bảo chất lượng được; nhất là ở bậc tiểu học, chủ yếu giáo viên giao bài vở qua zalo. Học hành chểnh mảng, các cháu mất kiến thức, xấu hổ, chán nản, bỏ học, rồi sinh ra tệ nạn xã hội".
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng bày tỏ lo lắng về chất lượng dạy học khi áp dụng hình thức trực tuyến. Ảnh: N.V.T
Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo ngay trong tuần này phải xây dựng và ban hành kế hoạch phòng, chống Covid-19 riêng cho ngành giáo dục. Theo đó, phải tổ chức test cho giáo viên và học sinh là đối tượng nghi ngờ, nguy cơ ngay tại trường học. Kinh phí thực hiện do ngân sách nhà nước đảm bảo. Ngành Giáo dục cũng cần lên phương án dạy bù, phụ đạo trong dịp hè tới, “nếu cần kinh phí thì báo, tỉnh sẽ bố trí, bởi trường không có tiền, thầy cô không thể "dạy chay”.
Bên cạnh đó, ngành Y tế chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ 5 - 11 tuổi ngay khi có nguồn vắc xin; lên phương án bài bản, tập huấn nghiêm túc, chọn đội ngũ nhân viên y tế lành nghề.
Nguồn: BTV
Ngoài ra, không được chủ quan, tiếp tục chuẩn bị các cơ sở thu dung điều trị, tránh tình trạng quá tải; bảo đảm công tác phòng, chống dịch luôn ở thế chủ động!
NGUYỄN VĂN TRANG