Triển vọng từ các giống rau mới
Trong thời gian triển khai dự án Rau an toàn Bình Ðịnh khảo nghiệm thành công nhiều giống rau mới, góp phần làm đa dạng danh mục cây trồng, tăng cạnh tranh cho các nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn.
Từ năm 2016 đến nay, dự án Rau an toàn Bình Định khảo nghiệm thành công nhiều giống rau mới, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt và chăm sóc cho các nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn hợp chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh. Thành công từ các mô hình khảo nghiệm giống rau mới như: Súp lơ chịu nhiệt, cải bó xôi, cải ngọt Thái, xà lách cuộn giòn, xà lách Minetto… từng bước đa dạng sản phẩm rau an toàn Bình Định - nhãn hiệu Lá Lành.
Các giống rau mới khảo nghiệm thành công góp phần làm giàu danh mục cây trồng, đa dạng sản phẩm cho rau an toàn Bình Định - nhãn hiệu Lá Lành. Ảnh: THU DỊU
Thế mạnh của vùng rau Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) tập trung vào các giống rau ngắn ngày. Song, nếu sử dụng những giống rau quá quen thuộc sẽ khó cạnh tranh, dễ xảy ra tình trạng được mùa mất giá. Do vậy, việc có thêm giống rau mới sẽ giúp nông dân Thuận Nghĩa vừa luân phiên canh tác vừa làm giàu danh mục sản phẩm rau an toàn hợp chuẩn VietGAP của địa phương. Nhờ thành công của các mô hình khảo nghiệm giống rau mới, nông dân Thuận Nghĩa giải được bài toán kinh tế là vừa duy trì nghề trồng rau vừa đảm bảo thu nhập, góp phần gia tăng hiệu quả trên cùng một diện tích đất canh tác. Về cơ bản, nông dân tiếp cận và nắm bắt được kỹ thuật trồng các giống rau mới và áp dụng diện rộng trong mùa tới.
Ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTXNN Thuận Nghĩa, cho hay: Cái khó là thị hiếu của người tiêu dùng chưa quen với giống mới, nên mình phải chú trọng công tác quảng bá, tiếp thị. Cùng với đó, chúng tôi tranh thủ sự hỗ trợ từ các chuyên gia của dự án để mở rộng thị trường tiêu thụ cho rau an toàn hợp chuẩn VietGAP của Thuận Nghĩa.
Chẳng hạn với giống xà lách Minetto vừa khảo nghiệm thành công, thị trường tiêu thụ giống rau này chủ yếu là ở các thành phố lớn. Ngay trong tỉnh, chỉ có vùng Quy Nhơn “hít” giống xà lách này, do giá bán ra cao hơn hẳn so với các loại xà lách quen thuộc. Còn người mua ở các khu vực nông thôn, chợ truyền thống chưa quen. Ông Quách Văn Lưu, hộ thí điểm khảo nghiệm mô hình giống mới tại HTXNN Thuận Nghĩa, chia sẻ: Nhiều người mua khi cầm búp xà lách này lên đã chê, rau già quá. Thật ra không phải vậy, màu xanh đặc trưng của giống xà lách này rất đậm. Vì vậy tôi cũng như bà con khi bán hàng cũng như lúc trò chuyện với nhà vườn, thương lái liên tục nhấn mạnh rằng xà lách Minetto càng xanh thì càng giòn càng ngọt, và giàu dinh dưỡng, khoáng chất.
Theo ông Nguyễn Cường, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) phụ trách các mô hình khảo nghiệm giống rau mới của dự án Rau an toàn Bình Định, mỗi giống rau có đặc trưng riêng, quá trình thực hiện mô hình, cán bộ khuyến nông vừa hướng dẫn kỹ thuật, vừa giới thiệu đặc trưng, xuất xứ của giống rau để nông dân mạnh dạn tiếp thị sản phẩm mới.
Đến nay, nhờ sự hỗ trợ của dự án Rau an toàn Bình Định, các giống rau mới giàu tiềm năng như súp lơ, cải bó xôi, xà lách cuộn giòn, sú tim… phát triển tốt ở Bình Định. Theo ông Nguyễn Xuân Quang, nhóm trưởng nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn tại HTXNN và kinh doanh dịch vụ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh), qua gần 1 năm triển khai khảo nghiệm, nhân rộng mô hình, giống súp lơ chịu nhiệt phát triển tốt, từng bước được người tiêu dùng đón nhận. Vụ rau năm nay, nhóm cũng thử nghiệm thêm súp lơ xanh, súp lơ tím…
“Các giống rau mới đưa vào khảo nghiệm được tính toán kỹ lưỡng, mức độ thành công rất cao. Cùng với hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, dự án đẩy mạnh công tác hỗ trợ nông dân trong tiếp thị sản phẩm, hướng tới giới thiệu các giống rau mới cho người tiêu dùng được biết”, ông Phạm Tấn Phát, Điều phối viên dự án Rau an toàn Bình Định, cho biết.
QUANG BẢO