Hội Nông dân huyện Vân Canh: Xây dựng được nhiều mô hình kinh tế tốt
Mấy năm gần đây, Hội Nông dân huyện Vân Canh tập trung hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Huế, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện: Năm 2021, Hội tổ chức khảo sát nhu cầu của hội viên về phát triển kinh tế, tìm hiểu các mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và khả năng tham gia của hội viên. Qua đó, xây dựng mới 8 mô hình chăn nuôi, trồng trọt với 48 hội viên tham gia, đó là: Nuôi heo thịt ở thị trấn Vân Canh và xã Canh Hiển; nuôi bò thịt chất lượng cao BBB ở thôn An Long 2, xã Canh Vinh; 2 mô hình nuôi bò lai sinh sản xã Canh Hòa; trồng mì cao sản ở làng Hòn Mẻ, xã Canh Thuận; trồng và chăm sóc cây chè dung ở xã Canh Vinh; chăm sóc cây keo lai ở thị trấn Vân Canh.
Mô hình trồng và chăm sóc 1 ha cây chè dung ở thôn Tăng Lợi, xã Canh Vinh. Ảnh: Đ.PHƯƠNG
Bên cạnh việc hỗ trợ hộ ông Nguyễn Cảnh Duy tham gia cuộc thi nông dân khởi nghiệp sáng tạo năm 2021 với sản phẩm bột chè dung matcha, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với hộ ông Duy và 6 hộ cùng ở thôn Tăng Lợi, xã Canh Vinh triển khai thí điểm mô hình trồng và chăm sóc cây chè dung với diện tích 1 ha, vào tháng 8.2021.
Ông Duy chia sẻ: “Cơ sở chúng tôi chủ yếu thu mua chè dung tươi từ người dân xã Canh Liên. Để đáp ứng nguồn nguyên liệu sản xuất, tôi đã ươm giống trồng thử nghiệm 3 sào cây chè dung, đến nay, qua gần 2 năm trồng và chăm sóc, cây phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Tôi tiếp tục tham gia mô hình trồng 1 ha cây chè dung, áp dụng hệ thống tưới phun sương, qua đó giảm công sức lao động cho các hội viên”.
Ông Lê Thành Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Canh Vinh, cho biết: Cây chè dung trồng 2 năm bắt đầu cho thu hoạch bói, ước tính sang năm thứ 3 sẽ năng suất tối đa. Sau khi đánh giá hiệu quả kinh tế từ 1 ha cây chè dung thử nghiệm, xã sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm và hoàn chỉnh mô hình đầu tư.
Ngoài ra, 19 hộ thuộc hộ nghèo, khó khăn ở các xã, thị trấn được tiếp cận nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân gần 800 triệu đồng để phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Tháng 3.2021, gia đình ông Lê Đức Thành (thôn Thanh Minh, xã Canh Hiển) được Hội Nông dân huyện hỗ trợ vay 50 triệu đồng mua bò giống BBB vỗ béo và xây dựng chuồng trại để phát triển nâng cao chất lượng đàn bò thương phẩm. Ông Thành chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi bò thịt chất lượng cao từ năm 2017. Được Hội nông dân các cấp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn chăn nuôi theo hướng hữu cơ, đảm bảo thức ăn xanh, ủ xác mì với bã hèm và men giúp đàn bò phát triển tốt. Hiện nay, chuồng nuôi đang duy trì 13 con bò BBB”.
Bà Nguyễn Thị Thu Huế cho biết thêm: Từ những mô hình hiệu quả đã giúp cho nông dân, chủ gia trại ứng dụng công nghệ vào sản xuất và lan tỏa cho nhiều hội viên trong toàn huyện. Tới đây, Hội Nông dân huyện tiếp tục có những giải pháp khắc phục khó khăn cho hội viên nông dân trong sản xuất, kinh doanh. Xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển nông nghiệp.
ÐÌNH PHƯƠNG