Sân khấu lại sáng đèn
Sau thời gian dài tạm ngừng lưu diễn do ảnh hưởng dịch Covid-19, Ðoàn tuồng Ðào Tấn (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) đã trở lại biểu diễn phục vụ công chúng.
Ngay khi trở lại trạng thái bình thường mới, hoạt động lễ hội được các địa phương tổ chức gắn với yêu cầu thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Và tin vui đến với đoàn tuồng Đào Tấn khi được chính quyền, nhân dân xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn mời về biểu diễn tại lễ hội cầu ngư ở địa phương, diễn ra từ ngày 13 - 15.3 (tức 11 - 13.2 âm lịch).
Đoàn tuồng Đào Tấn (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) biểu diễn vở tuồng Tam hạ Nam Đường tại xã Nhơn Hải. Ảnh: NGỌC NHUẬN
NSƯT Đào Trung Nghĩa, Trưởng Đoàn tuồng Đào Tấn, tâm tình: Được đi diễn trở lại để phục vụ nhân dân, anh em trong đoàn ai nấy cũng háo hức. Chúng tôi phải chuẩn bị kỹ lưỡng mọi khâu từ kịch bản tuồng, phân vai diễn, đến đạo cụ, trang phục, âm thanh, ánh sáng. Trước khi đi diễn khoảng một tuần, lãnh đạo Nhà hát đã chỉ đạo đoàn lựa chọn, tập luyện lại các vở diễn phục vụ công chúng đáp ứng với nhiệm vụ tuyên truyền của đơn vị. Điểm đáng quan tâm là công tác phòng dịch, mỗi ngày tất cả diễn viên, nhạc công, người phục vụ trong đoàn đều phải test nhanh Covid-19 rồi mới đến điểm diễn để đảm bảo an toàn phòng dịch.
Mặc dù phải thức cả đêm để hóa trang các vai diễn trong vở tuồng Cổ thành để lên sân khấu biểu diễn đêm đầu tiên tại Nhơn Hải lúc 3 giờ sáng trong suất hát thứ lễ, nhưng tập thể diễn viên, nhạc công Đoàn tuồng Đào Tấn rất vui mừng, quên cả mệt mỏi vì được gặp lại khán giả.
Nghệ sĩ Nguyễn Đức Thành chia sẻ: Trong suất diễn đầu tiên, đứng trên sân khấu, nhìn thấy khán giả ngồi chăm chú lắng nghe, cùng với tiếng trống chầu giục giã trong đêm, lòng tôi thật bồi hồi xúc động! Mong dịch bệnh hết hẳn để sân khấu tuồng mãi sáng đèn như vậy, đó là niềm vui lớn đối với những nghệ sĩ như chúng tôi.
Hòa chung niềm vui, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Việt thổ lộ: Lâu lắm rồi chúng tôi mới được đứng trên sân khấu để biểu diễn cho nhân dân xem, nên trong đoàn ai cũng hồ hởi. Điều làm chúng tôi xúc động hơn là sự quan tâm của lãnh đạo Nhà hát, chính quyền địa phương khi thường xuyên hỏi han, động viên chúng tôi cố gắng vừa diễn tròn vai, vừa phòng dịch.
Vừa ra phía sau cánh gà sân khấu tạm nghỉ khi hết lớp diễn trong vở tuồng Tam hạ Nam Đường với vai diễn chính nhân vật Cao Quân Bảo trong đêm diễn thứ hai ở Nhơn Hải, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thái Phiên bộc bạch: Thấy người xem đông như vậy là anh em trong đoàn vui lắm, bởi đó là tình cảm khán giả dành cho các nghệ sĩ, cho nghệ thuật tuồng Bình Định. Ở nhà lâu chúng tôi nhớ sân khấu, nhớ khán giả lắm, nên giờ trong lòng cứ lâng lâng khó tả. Được đi diễn cũng là dịp để chúng tôi rèn luyện, nâng cao năng lực nghề nghiệp. Trước đó, anh em phải giữ sức khỏe thật tốt, ôn tuồng cho kỹ, luyện tập cho nhuần nhuyễn để đáp lại tình cảm nồng nhiệt của khán giả trong những ngày lưu diễn ở đây.
Ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, cho biết: Chuyến lưu diễn đầu tiên tại xã Nhơn Hải trong điều kiện bình thường mới là tín hiệu vui để đơn vị tiếp tục phục vụ khán giả tại các địa phương khác khi được mời biểu diễn. Hiện tại, đơn vị tập trung triển khai kế hoạch cho Đoàn tuồng Đào Tấn và Đoàn dân ca bài chòi Bình Định tập luyện vở tuồng Vua thánh triều Lê và vở bài chòi Cô thần để tham dự Liên hoan nghệ thuật tuồng và dân ca kịch toàn quốc do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) tổ chức vào tháng 5.2022.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN