Ðầu ngói ống tại di tích thành Cha
Giai đoạn từ năm 2015 đến 2016, Trung tâm Nghiên cứu Kinh Thành cùng Bảo tàng tỉnh tiến hành 2 đợt khảo cổ tại di tích thành Cha (thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn). Tại đây, lần đầu các nhà nghiên cứu tìm thấy 53 hiện vật đầu ngói ống.
Đầu ngói ống phát hiện tại thành Cha. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Thông qua họa tiết trang trí, đầu ngói ống khai quật tại thành Cha được phân làm hai loại hình hoa văn trang trí chủ yếu, đó là mặt sư tử và mặt hề (mặt cười). Về hình dáng, đầu ngói ống có hình trụ tròn gồm ba phần mặt, thân và đuôi ngói. Chất liệu làm đầu ngói ống tại thành Cha bằng gốm mịn; kỹ thuật chế tác làm bằng khuôn với hai cách, một là mặt và thân tạo liền khối, hai là mặt và thân được tạo bằng kỹ thuật ghép nối. Công năng của loại ngói này chính là dùng để trang trí diềm mái công trình kiến trúc.
Theo các nhà nghiên cứu, những đầu ngói ống trang trí mặt hề tìm thấy ở thành Cha mang yếu tố văn hóa ngoại sinh - tôn giáo Trung Hoa đã xâm nhập vào văn hóa, tín ngưỡng của người Champa vào giai đoạn đầu công nguyên. Còn đầu ngói ống trang trí mặt sư tử cho thấy dấu ấn của sự giao lưu, tiếp thu văn hóa Ấn Độ của văn hóa Champa. Đầu ngói ống tại thành Cha có sự đồng nhất với các đầu ngói ống tìm thấy tại Trà Kiệu (Quảng Nam), Cổ Lũy - Phú Thọ (Quảng Ngãi). Niên đại của những trung tâm này đều cận kề với niên đại kết thúc văn hóa Sa Huỳnh từ nửa sau thế kỷ I, từ đó tiếp biến phát triển đến giai đoạn sớm của văn hóa Champa từ thế kỷ IV-VII; do vậy đầu ngói ống tại thành Cha cũng có niên đại tương ứng.
Việc phát hiện đầu ngói ống tại thành Cha, cùng với dấu tích thành, đền thờ, các hiện vật gốm Champa tại đây đã cung cấp nhiều cứ liệu khẳng định thêm nguồn thư tịch cổ về vai trò của thành Cha là thủ phủ, trung tâm chính trị, quân sự của châu Vijaya thời kỳ đầu (từ thế kỷ IV-VI đến trước thế kỷ X), trước khi nhà nước Champa dời kinh đô từ Indrapura (Quảng Nam) vào Vijaya (Bình Định) năm 1000.
ÐOAN NGỌC