Tuy Phước: Tập trung xử lý lấn chiếm Tuy hành lang bảo vệ đê khu Đông
Thời gian qua, tình trạng người dân lấn chiếm trái phép hành lang bảo vệ đê khu Đông (huyện Tuy Phước) để xây dựng nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, quán ăn hải sản… diễn ra khá phức tạp. Trước thực trạng này, UBND huyện Tuy Phước đã thành lập tổ công tác liên ngành tiến hành kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm.
Theo báo cáo của Tổ công tác liên ngành, kết quả kiểm tra, rà soát từ năm 2014 đến nay cho thấy, trên địa bàn các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng có 87 trường hợp xây dựng nhà cửa, công trình trái phép trên hành lang bảo vệ đê Đông. Trong đó, xã Phước Sơn có 44 trường hợp; Phước Thuận 26 trường hợp, Phước Hòa 15 trường hợp; Phước Thắng 8 trường hợp.
Một quán hải sản xây cất trái phép vi phạm hành lang bảo vệ đê Đông trên địa bàn thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn. Ảnh: N.H
Theo ông Nguyễn Minh Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, tình trạng lấn chiếm hành lang đê khu Đông trên địa bàn xã thời gian qua diễn biến rất phức tạp do nhu cầu về nhà ở, nơi chăn nuôi, nơi kinh doanh buôn bán của nhân dân địa phương rất lớn. Trong 44 trường hợp lấn chiếm trái phép, có 23 trường hợp lấn chiếm trong giai đoạn 2014 - 2017, 21 trường hợp lấn chiếm trong giai đoạn 2017 - 2021. UBND xã đang tập trung củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hệ thống đê khu Đông là tuyến đê xung yếu của tỉnh có tổng chiều dài khoảng 50 km, kéo dài từ phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) qua địa bàn các xã khu Đông của huyện Tuy Phước và Phù Cát. Riêng chiều dài tuyến đê qua địa bàn các xã khu Đông của huyện Tuy Phước là 27 km. Đê khu Đông có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt vào mùa khô, tiêu thoát lũ vào mùa mưa bão, bảo vệ hàng nghìn hộ dân và đất sản xuất, nuôi trồng thủy sản ở địa phương.
“Ban đầu các hộ dân lấn chiếm đất hành lang đê Đông để làm hồ nuôi cá; sau lén lút bơm cát bồi lấp xây móng, làm nhà rầm đơn sơ, rồi lợi dụng sự lơ là trong quản lý của chính quyền tiếp tục xây nhà kiên cố, cứ từng bước từng bước kéo dài. Trung bình hằng năm, xã cưỡng chế tháo dỡ 7 - 10 ngôi nhà xây dựng trái phép; thế nhưng không thể ngăn chặn dứt điểm được”, ông Thiện cho hay.
Còn trên địa bàn xã Phước Hòa, tình trạng lấn chiếm hành lang đê khu Đông để xây dựng nhà ở, chuồng trại chăn nuôi chủ yếu diễn ra trên địa bàn 2 thôn Kim Đông và Tân Giản. Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết: “Trên tổng chiều dài 10 km đê đoạn qua địa bàn xã, qua thống kê từ năm 2018 đến nay có 15 trường hợp lấn chiếm hành lang để xây dựng, cơi nới nhà cửa, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Xã đã xác lập danh sách cụ thể từng trường hợp lấn chiếm đê và đang tiến hành củng cố hồ sơ để xử lý”.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuy Phước - Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành, khẳng định: Xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ đê khu Đông là nhiệm vụ quan trọng hiện nay, nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý nhà nước. Thời gian qua, Tổ công tác liên ngành đã làm việc với UBND các xã khu Đông về việc rà soát, thống kê cụ thể thời gian, diện tích lấn chiếm trên địa bàn từng xã. Đồng thời, yêu cầu UBND các xã, các tập thể, cá nhân liên quan nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong việc quản lý đất đai, mặt nước, hành lang bảo vệ đê Đông. Xây dựng phương án, thời gian, lộ trình cụ thể để xử lý dứt điểm các hộ dân có hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ đê Đông.
“Sau khi xác lập đầy đủ hồ sơ vi phạm, yêu cầu chính quyền các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động các hộ tự giác tháo dỡ công trình, trả lại hiện trạng ban đầu. Nếu các hộ không tự giác chấp hành, từng xã xây dựng phương án cưỡng chế cụ thể báo cáo lên UBND huyện để có phương án xử lý”, ông Xuân nhấn mạnh.
Về lâu dài, để giải quyết chỗ ở cho nhân dân tại các vùng ven đê Đông, UBND huyện Tuy Phước đã chỉ đạo chính quyền các địa phương rà soát nhu cầu về nhà ở, đất ở của nhân dân, khẩn trương lập dự án xây dựng các khu dân cư tập trung, báo cáo UBND huyện cho chủ trương thực hiện.
NGUYỄN HÂN