Thanh niên tích cực tham gia chuyển đổi số
Bằng sức sáng tạo và sự nhạy bén, ĐVTN được xác định là lực lượng tiên phong trong thực hiện chủ trương chuyển đổi số. Hoạt động của Đoàn Thanh niên đang từng bước được đổi mới, những người trẻ tận dụng thời cơ để khởi nghiệp, vươn mình hội nhập.
Ứng dụng chuyển đổi số trong khởi nghiệp
Công ty TNHH Cà phê An Phú tại TX Hoài Nhơn do thanh niên trẻ Nguyễn Ngọc Hiên (thuộc Chi đoàn khu phố Liêm Bình, phường Bồng Sơn) làm chủ được nhiều người biết đến với thương hiệu cà phê sạch “Gu’s Coffee”. Sản phẩm chủ lực là cà phê nguyên chất rang mộc, như: Cà phê Arabica, Robusta, Robusta Honey, Gu’s 1, 2, 3…
Quang cảnh một hội nghị trực tuyến do Tỉnh đoàn tổ chức phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Ảnh: Tỉnh đoàn
Trong năm 2021, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, công việc kinh doanh của anh Hiên chịu tác động rất lớn về mặt bán hàng, doanh số. Song, nhờ thay đổi tư duy, nhanh nhạy thích ứng với chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng công nghệ thông tin, anh Hiên đã đưa các sản phẩm cà phê của mình lên một số sàn thương mại điện tử trong nước để giới thiệu, bày bán. Nhờ thế, hằng tháng Công ty của anh vẫn cung cấp đều đặn cho thị trường trong nước hơn 1,5 tấn cà phê, lợi nhuận ước đạt gần 350 triệu đồng/năm.
Anh Hiên cho hay, bán hàng trên sàn giao dịch điện tử giúp anh dễ quản lý thông tin khách hàng, đơn hàng, số lượng bán đi, tiết kiệm được nhiều thời gian, nhân công… Đặc biệt, nhờ ứng dụng các nền tảng số mà thương hiệu “Gu’s Coffee” đã được các bạn hàng tại nhiều tỉnh, thành phố biết đến. “Hiện nay, CĐS chính là xu hướng tất yếu, quan trọng và rất cấp thiết. Là một người trẻ làm kinh doanh, tôi nghĩ mình càng cần phải năng động và cập nhật những thứ mới mẻ, hiện đại hơn để nâng tầm thương hiệu, sản phẩm của mình”, anh Hiên chia sẻ.
Tương tự, anh Bùi Khắc Bảo (ở khu phố 1, phường Bồng Sơn, TX Hoài Nhơn) cũng khởi nghiệp thành công với mô hình in, may quần áo đồng phục, chuyên về các sản phẩm đồng phục cho các trường học, DN, quần áo đồng phục của Đoàn, Hội LHTN… Cơ sở của anh hiện có các đại lý phân phối trong, ngoài tỉnh với hình thức kinh doanh truyền thống và sử dụng các nền tảng số như: Zalo, Facebook, Shopee để quảng cáo và bán hàng. 70% doanh thu hiện tại của cơ sở từ các hệ thống bán hàng trực tuyến.
Anh Bảo bộc bạch: “Tôi lựa chọn cách bán hàng online vì việc tiếp cận với các nền tảng số không mất chi phí, không bị giới hạn về khoảng cách địa lý và có thể tiếp cận đa dạng nguồn khách hàng trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, biết ứng dụng công nghệ số càng giúp tôi dễ quản lý hệ thống bán hàng và vận hành tốt hơn”.
Hiện nay, toàn tỉnh có 828 mô hình thanh niên khởi nghiệp có nguồn thu ổn định. Trong đó, có 70% mô hình thành công là nhờ ĐVTN, hội viên hiểu và biết thay đổi tư duy, ứng dụng CĐS vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tạo nét mới cho hoạt động Đoàn
Thời gian qua, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biển tích cực, nhất là phương thức hoạt động đã được đổi mới với việc tận dụng các mạng xã hội. Tỉnh đoàn đã lập fanpage “Tuổi trẻ Bình Định” với 23.704 lượt theo dõi; 11 huyện, thị, thành đoàn đều có các fanpage riêng. Trong năm 2021, đã có 11.479 bài viết được đăng tải trên các kênh mạng xã hội của Đoàn.
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động Đoàn được các cấp bộ Đoàn linh hoạt đổi mới về nội dung và phương thức. Cụ thể, đã tổ chức gần 250 hội nghị trực tuyến qua ứng dụng Zoom, tuyên truyền triển khai Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết đại hội Đoàn, Hội, các hội nghị tổng kết… kết nối đến gần 1.100 điểm cầu. Tổ chức 85 hội thi, cuộc thi của Đoàn, Hội, Đội. Tổ chức tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp, tư vấn hướng nghiệp bằng hình thức trực tuyến; triển khai các đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ nhân dân cài đặt và khai báo y tế qua ứng dụng PC-Covid, in và cung cấp mã QR cho các cơ sở kinh doanh hoạt động bình thường sau dịch…
Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Huỳnh Thị Thanh Nguyệt, thanh niên có vai trò tiên phong, đi đầu trong thực hiện chủ trương CĐS, tiếp cận KH&CN. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng để các cấp bộ Đoàn và ĐVTN nắm vững tầm quan trọng, ý nghĩa của CĐS; tích cực nghiên cứu, tìm hiểu về chiến lược CĐS của quốc gia, tỉnh; triển khai hiệu quả các ứng dụng số, phần mềm chuyên ngành công nghệ thông tin trong công tác Đoàn, Hội, Đội. Từ đó, đóng góp tích cực cho công cuộc CĐS của tỉnh trong thời gian đến.
CHƯƠNG HIẾU