Buôn bán ế ẩm, nhiều tiểu thương bỏ sạp
Hiện nay, vì buôn bán ế ẩm, tại các chợ, trung tâm mua sắm lớn ở TP Quy Nhơn, như: Chợ Lớn mới, Trung tâm thương mại Hoàn Cầu, Trung tâm thương mại An Phú Thịnh, chợ Đầm, chợ Khu 6…, khá nhiều tiểu thương đã bỏ hoặc sang nhượng lại sạp, lô.
Sáng 17.3, khảo sát một vòng chợ Đầm (phường Thị Nại, TP Quy Nhơn), chúng tôi thấy ở khu vực buôn bán thực phẩm tươi sống còn có người đi chợ đến mua bán; còn lại các khu quần áo, mỹ phẩm, giày dép, đồ gia dụng, hàng tạp hóa… hầu như chỉ có người bán hàng ngồi nói chuyện với nhau; không thấy có người đi chợ.
Bà Lê Thị Thủy, 45 tuổi, tiểu thương bán hải sản chia sẻ: Lượng tiểu thương ra chợ giảm 1/3 so với trước đây. Phần do người tiêu dùng đã quen mua hàng ở siêu thị, cửa hàng tiện ích hoặc các điểm mua bán tự phát bên ngoài, hoặc đã quen mua hàng qua mạng trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 nên nhiều người không muốn đến chợ - nơi vốn đông đảo và dễ lây bệnh.
Các lô bán thực phẩm tươi sống tại chợ Đầm tạm nghỉ khá nhiều. Ảnh: HẢI YẾN
Hiện tượng chợ vắng khách diễn ra từ những chợ lớn, chuyên bán sỉ như chợ Lớn mới, chợ Dinh đến cả những chợ nhỏ như chợ Xóm Tiêu, chợ Ghềnh Ráng, chợ Chương Dương, chợ Cây Xăng. Tất cả những chợ vừa kể, chúng tôi kịp thấy cảnh ảm đạm, thưa vắng người mua; khi hỏi thăm thì tiểu thương nào cũng than thở tình trạng doanh số sụt giảm mạnh. Đặc biệt, ở những chợ nhỏ, từ khu kinh doanh rau củ quả, hàng lương thực khô đến khu hải sản, thịt tươi sống đều khá vắng khách. Còn các sạp quần áo, mỹ phẩm, giày dép thì đóng cửa nghỉ bán hoặc treo thông báo sang sạp, và những thông báo sang lô sạp xuất hiện ngày càng nhiều.
5 chợ ở TP Quy Nhơn được cải tạo, sửa chữa gồm: Chợ Đầm, chợ Khu 6, chợ Sân Bay, chợ Nhơn Lý, chợ Nhơn Hải với tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng. Các chợ được quy hoạch bố trí, sắp xếp lại từng ngành hàng thống nhất, đồng bộ theo phân khu chức năng, buôn bán kinh doanh đảm bảo an toàn. Các sạp, lô phải trang bị, niêm yết công khai bảng nội quy, có sơ đồ bố trí các khu vực kinh doanh trong chợ; có bảng chỉ dẫn tại mỗi phân khu chức năng của chợ; có hộp thư góp ý, cân đối chứng phục vụ khách hàng ở nơi thuận tiện; lắp đặt camera quản lý ở các chợ, qua đó ban quản lý thường xuyên kiểm tra được việc buôn bán, tuân thủ các quy định của tiểu thương…
Bà Nguyễn Thị Nhỏ, Trưởng Ban quản lý Chợ Lớn mới, cho biết: Trước Tết, chợ có 400 tiểu thương thuê sạp kinh doanh thì nay đã nghỉ tới 100 người. Năm ngoái, các tiểu thương được giảm các loại thuế, tiền đóng lô sạp và các khoản phụ thu khác dao động từ 200 nghìn đồng - 1,2 triệu đồng/lô, tùy diện tích; tuy ít nhưng cũng động viên bà con chút đỉnh với hy vọng mọi thứ sẽ khá hơn trong năm 2022. Nhưng mấy tháng nay, buôn bán ế ẩm quá nên phần nghỉ chuyển đổi nghề, phần thì chuyển ra bán tại các vỉa hè, lề đường xung quanh chợ...
Khảo sát sơ bộ và theo thông tin từ các ban quản lý chợ ở TP Quy Nhơn, số sạp đóng cửa hoặc chờ sang nhượng đang tăng dần lên. Nguyên nhân buôn bán ế ẩm phần lớn do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu; khi cần mua bán gì lại hay mua ở khu vực tự phát xung quanh chợ, do giá cả ở đó thấp hơn. Vì vậy, các chợ tự phát mọc quanh các chợ truyền thống ngày càng nhiều. Hơn nữa khách hàng trẻ tuổi có xu hướng mua hàng qua các kênh trực tuyến, mua ở siêu thị, các cửa hàng tiện lợi để được giao hàng tận nhà, không lo mua hớ, khỏi phải trả giá mất thời gian.
Bà Thanh Thúy, tiểu thương kinh doanh hóa mỹ phẩm ở Trung tâm thương mại An Phú Thịnh, cho biết: Chợ ế, sức mua kém, hàng hóa tồn đọng, tôi đang sang lại lô sạp để nghỉ. Hiện nay, nhiều tiểu thương ở đây kết hợp lượng bạn hàng đã có với quảng bá, bán hàng trên mạng xã hội, giao hàng tận nhà - không tính tiền ship… và khá thành công. Tôi đã nhiều tuổi, không theo kịp xu hướng mới của người tiêu dùng nên đành nghỉ.
Góp một góc phân tích khác, ông Mai Ngọc Tình, Phó trưởng Phòng Kinh tế, UBND TP Quy Nhơn, chia sẻ: Cơ sở vật chất các chợ truyền thống tại TP Quy Nhơn đã và đang xuống cấp nhiều, hơn nữa tình trạng kinh doanh tự phát xung quanh chợ ngày càng dày. Có thể mua ở bên ngoài lại rẻ hơn thì tự nhiên người tiêu dùng không vào chợ nữa. Đợt dịch bệnh vừa qua khiến hệ thống chợ truyền thống lộ rõ những hạn chế của nó. Do đó, chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án Nâng cao chất lượng hoạt động của các chợ truyền thống theo hướng an toàn, văn minh thương mại. Hiện nay, chợ Sân Bay đang được sửa chữa và sẽ hoàn thành trong tháng 4.2022. Đang tiến hành khảo sát, thống kê chợ Đầm, để bố trí sắp xếp, sửa sang lại trong 2 năm 2022 - 2023, đảm bảo chợ an toàn thực phẩm, văn minh, thu hút khách mua sắm và có thể thu hút du khách.
Thiết nghĩ, để đảm bảo công bằng trong cơ hội kinh doanh và đảm bảo trật tự đô thị, chính quyền các địa phương nên kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các điểm kinh doanh tự phát xung quanh chợ. Mặt khác, các tiểu thương có lẽ cũng phải thay đổi cách kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng như: Hình thức trưng bày, đa dạng mặt hàng, quảng bá sản phẩm, niêm yết giá công khai và kết hợp quảng bá trên các trang mạng xã hội... nói cách khác, là phải linh hoạt thích ứng với bối cảnh, điều kiện mới.
HẢI YẾN