Chủ động ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật
Tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh tuy nằm trong tầm kiểm soát, song tính chất, hành vi phạm tội của một số loại tội phạm đã và đang đặt ra nhiều thử thách cho các cơ quan thực thi pháp luật, nhất là độ tuổi phạm tội ngày một trẻ hơn.
Nhiều vấn đề nổi cộm
Theo Viện KSND tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, Viện KSND hai cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố mới 212 vụ/468 bị can, tăng 38 vụ/107 bị can so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 73 vụ/275 bị can xâm phạm trật tự xã hội, chiếm 34,4% số vụ; 109 vụ/104 bị can xâm phạm về kinh tế, sở hữu và môi trường, chiếm 51,4% số vụ; 30 vụ/87 bị can về ma túy, chiếm 14,2% số vụ; 2 bị can về tham nhũng, chức vụ.
Lực lượng CA tăng cường bám cơ sở, chủ động phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh: K.A
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang nhìn nhận: “Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, tính chất, mức độ phạm tội ngày càng nguy hiểm. Điều này cho thấy nhận thức, sự tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên thích thể hiện và dễ bị lôi kéo, kích động”.
Đáng chú ý, dư luận bức xúc trước tình trạng băng nhóm đánh nhau bằng hung khí, thanh thiếu niên tụ tập thành từng nhóm sử dụng trái phép ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó, tình trạng trộm cắp, cướp giật tài sản cũng hết sức manh động.
Chẳng hạn, để thuận tiện cho hành vi cướp giật tài sản, Nguyễn Vinh Quang (SN 1996, ở xã Phước Hiệp) và Phạm Trần Gia Bảo (SN 2002, ở xã Phước An, huyện Tuy Phước) chọn các nạn nhân là nữ đi xe một mình trên địa bàn An Nhơn, Tuy Phước, khi thuận lợi thì tiến hành áp sát xe của nạn nhân, giật tài sản. Chúng còn sử dụng băng keo đen để che biển số hòng tránh sự truy vết của lực lượng CA.
Chủ động ngăn chặn vi phạm
UBND tỉnh và TAND tỉnh, Viện KSND tỉnh vừa tổ chức ký kết Quy chế phối hợp trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ; giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan.
Tại lễ ký kết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cho rằng: Để đấu tranh phòng chống tội phạm, giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính; giải quyết các điểm nóng, đơn thư tố cáo, khiếu nại của công dân đúng quy định pháp luật và hiệu quả, các ngành, các cấp phải cùng chung trách nhiệm. Muốn xã hội phát triển, trật tự ổn định, tất cả mọi người phải thực thi đúng theo quy định pháp luật.
Theo Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang, Viện KSND 2 cấp đã và đang triển khai thực hiện nhiều biện pháp kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của các cơ quan chức năng nhằm hạn chế oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, chú trọng kiểm sát việc giải quyết các nguồn tin về tội phạm nhằm đảm bảo mọi trường hợp bị bắt, tạm giữ, tạm giam và các hoạt động điều tra phải có đủ căn cứ, đúng pháp luật.
Là nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT- an toàn xã hội, lực lượng CA tiếp tục rà soát, lập hồ sơ đưa vào diện quản lý nghiệp vụ và đấu tranh triệt xóa các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật. Tổ chức ra quân trấn áp các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến tín dụng đen, tội phạm cướp, cướp giật tài sản, trộm, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm sử dụng công nghệ cao và không để hình thành đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy trên địa bàn.
“Ngành sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá về nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm để chủ động triển khai các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Trong đó, kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tuyên truyền giáo dục pháp luật và phát huy hiệu quả của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đại tá Huỳnh Bảo Nguyên - Phó Giám đốc CA tỉnh nói.
Còn Chánh án TAND tỉnh Lê Văn Thường cho biết ngoài việc nâng cao chất lượng xét xử các loại án, không để án tồn đọng; ngành sẽ thường xuyên trao đổi để xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không để oan sai. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xét xử, TAND 2 cấp sẽ chủ động phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật; cung cấp bản án, quyết định của tòa, nhất là các trường hợp án phức tạp và có vướng mắc…
KIỀU ANH